TIN THỦY SẢN

Nhiều mô hình làm ăn trong lũ

Thu hoạch cá lóc trong lũ Minh Hiển

Khác với những mùa lũ 1996, 1997, 2000, năm nay lũ về ĐBSCL làm nhiều người dân vui mừng. Ngoài rửa sạch đồng ruộng, lũ còn mang theo nhiều tôm, cá, giúp người nghèo có thu nhập ổn định từ việc khai thác lợi thế của lũ. Nhiều hộ đã tận dụng sản xuất trong mùa lũ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Từ đánh cá bắt tự nhiên...

Những ngày qua, gia đình ông Lê Văn Năm (ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) luôn tất bật với công việc đánh bắt cá mùa lũ. Công cụ để đánh bắt cá của ông năm nay là những tay lưới và 15 cái dớn (dân trong vùng còn gọi là đại đường ven). Với những công cụ này, bình quân mỗi đêm, gia đình ông Năm có thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống trong lũ. “Năm nay lũ về muộn nhưng đầu mùa cá, tôm rất nhiều. Dân làm nghề câu lưới rất phấn khởi. Hiện nay, các mặt hàng cá trắng như: cá linh, cá dãnh, hột mít, mè vinh, tôm chạy rất nhiều, từ đó người làm nghề câu, lưới, lọp, lờ có thu nhập cao và ổn định” - ông Năm chia sẻ.


Nhờ có lũ, người làm nghề đặt lợp bắt cá lóc có cuộc sống ổn định

Không chỉ gia đình ông Năm mà có trên 30.000 hộ dân trong tỉnh, chuyên sống với nghề câu, lưới rất phấn khởi, bởi lũ năm nay được xem là “lũ đẹp”. “Lũ đẹp” bởi nước dưới sông rất đục, phù sa nhiều, từ đó bồi đắp đồng ruộng rất tốt, hứa hẹn vụ đông xuân tới, nông dân ĐBSCL sẽ trúng mùa. “Lũ đẹp” là bởi mực nước trên 2 triền sông Tiền và sông Hậu vừa vượt mức báo động 1, không gây ngập úng hay phá vỡ hạ tầng giao thông như những năm 1996, 1997 và 2000.


Những hộ đặt dớn rất phấn khởi vì tôm, tép trong lũ rất nhiều

Tranh thủ lúc ông Năm ngồi uống trà trong đêm khuya, chờ đến giờ thăm lưới, tôi hỏi ông những người chuyên mưu sinh trong lũ, dựa vào đâu để hoạch định việc tổ chức sản xuất, chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt, ông Năm liền nói, bằng kinh nghiệm dân gian. Theo đó, ông Năm theo dõi các tổ ong ruồi đóng trên cây tre, cây xoài trong vườn. Năm nay, thấy đa phần các tổ ong đóng ở vị trí cao, nên ông chắc một điều năm nay lũ không nhỏ. Ngoài theo dõi các tổ ong, hiện tượng kiến bò vào nhà nhiều cũng dự báo sẽ có lũ. Từ kinh nghiệm này, ông Năm chuẩn bị phương tiện, công cụ đánh bắt cá, tôm để cải thiện đời sống trong lũ.

… đến tổ chức sản xuất trong lũ

Chung sống với lũ, tổ chức sản xuất trong lũ, tận dụng lợi thế của lũ để mưu sinh, làm giàu là một tập quán đã có từ lâu ở An Giang. Từ tập quán này, vào những năm 1996, 1997, An Giang đã có chủ trương tổ chức sản xuất trong lũ, tận dụng lợi thế của lũ để cải thiện đời sống người dân. Từ cách nghĩ này, tỉnh đã chủ trương cho hộ nghèo vay vốn, tổ chức sản xuất trong lũ như: trồng rau nhút, bầu, bí, ớt, khổ hoa, cải ngọt, cải xanh… cung cấp cho các chợ đầu mối, chợ làng, chợ xã trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập nông hộ. Đối với hộ nghèo không có phương tiện, công cụ mưu sinh thì nhà nước cho xuồng, lưới để đánh bắt cá mùa lũ, cải thiện đời sống. Ngân hàng bám sát chủ trương của từng địa phương trong tổ chức sản xuất vụ 3, trồng hoa màu trong mùa nước nổi để hỗ trợ vốn cho bà con. Với cách làm này, ngay trong những tháng mùa lũ, hàng trăm ngàn người dân nghèo trong tỉnh đã có cuộc sống ổn định. Và hơn 20 năm qua, hàng năm dù lũ có về hay không, việc tổ chức sản xuất vụ 3 đã trở thành tập quán, góp phần cải thiện đời sống hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ khá, làm giàu chính đáng cho những cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nông nhàn trong mùa lũ.

“Vốn phục vụ cho sản xuất là một việc rất cần thiết với chúng tôi. Những năm gần đây, từ chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, tín dụng cho người nghèo, nhiều nông hộ đã được hỗ trợ vốn với lãi suất thấp để sản xuất trong lũ, nhờ đó người dân vùng nông thôn đã bám đất, giữ làng, phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình…” - ông Nguyễn Văn Dứt, Giám đốc HTXNN Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Những ngày này, đi qua các địa phương đầu nguồn như An Phú, Tân Châu hay các huyện ở hạ lưu như: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn… nơi đâu cũng thấy bà con tất bật với công việc trong lũ. Hiện cá linh đến 70.000 đồng/kg, cá mè vinh, cá dãnh từ 50.000/kg trở lên. Điều này đã giúp cho nhiều hộ nghèo trong tỉnh có đời sống ổn định trong lũ.

Minh Hiển Báo An Giang