TIN THỦY SẢN

Nhu cầu protein (đạm) cho cá tra

PGS. TS T.T.Thanh Hiền, Khoa TS, ĐHCT

Protein là thành phần chất hữu cơ chính của cơ thể cá, chiếm khoảng 12-18% khối lượng của cơ thể, ở cá tra hàm lượng protein khoảng từ 12-14%. Nhiệm vụ chính của protein là xây dựng nên cấu trúc của cơ thể.

Do đó, nếu thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu protein cho cá sẽ dẫn đến cá chậm lớn, hoặc ngừng tăng trưởng, thậm chí có thể giảm khối lượng. Nếu thức ăn được cung cấp quá nhiều protein thì protein dư không được cơ thể hấp thu để tổng hợp protein mới mà sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng hoặc thải ra ngoài. Thêm vào đó cá còn phải tốn nănh lượng cho quá trình tiêu hóa protein dư thừa, vì thế sinh trưởng của cá giảm. Điều này dẫn tới lãng phí protein, làm tăng giá thành thức ăn không cần thiết. Protein là chất dinh dưỡng được đặc biệt chú ý trong thức ăn. Mục đích của nuôi động vật thủy sản là biến đổi protein từ thức ăn (tự nhiên và nhân tạo) thành protein cấu tạo cơ thể động vật thủy sản có chất lượng cao.

Nhu cầu protein của cá dao động trong khoảng từ 25% đến 55%, trung bình 30%. Kết quả nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng cho cá tra ở từng giai đoạn phát triển đã được thực hiện từ dự án ACIAR của Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Để cá tra sinh trưởng tối ưu, chất luợng cá đảm bảo, ở giai đoạn cá nhỏ (5-50g) thức ăn cung cấp cần có hàm lượng protein là 34-36%, giai đoạn cá lớn hơn 500g là 24-26% protein.

Nhu cầu protein của cá tra theo giai đoạn phát triển như sau:

Cỡ cá (g)

Hàm lượng protein (%)

5- 50

34 - 36

50 – 100

32 - 34

100 – 300

30 - 32

300- 500

28 - 30

>500

24 – 26

Nhu cầu protein tối ưu của một loài nào đó phụ thuộc nguồn nguyên liệu làm thức ăn, tỉ lệ protein và năng lượng, thành phần acid amin, độ tiêu hóa protein, giai đoạn phát triển của cơ thể và các yếu tố bên ngoài khác. Đặc biệt là phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cung cấp protein vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng của cá đối với nguồn protein đó.

Bột cá được xem như là nguồn protein tốt nhất cho cá, tuy nhiên do giá bột cá quá cao và sử dụng nhiều bột cá sẽ ảnh hưởng đến cạn kiệt nguồn cá tự nhiên,... Nên các nhà quản lý, sản xuất thức ăn thủy sản đề nghị hạn chế sử dụng bột cá.

Có nhiều nguồn nguyên liệu có thể thay thế một phần bột cá trong thức ăn cho cá tra như: bột đậu nành, bột đậu phộng, bột thịt, bột huyết,... Tùy theo giá thành và chất lượng nguyên liệu mà các nhà sản xuất thức ăn sử dụng thay thế với tỉ lệ khác nhau, vì vậy chất lượng và giá thành thức ăn sẽ thay đổi theo từng nhà sản xuất cũng như thời điểm sản xuất.

Hiệu quả sử dụng protein của thức ăn còn phụ thuộc vào các thành phần khác nhau của thức ăn, đặc biệt là chất xơ và tinh bột. Thức ăn chứa quá nhiều chất xơ hoặc tinh bột sẽ làm giảm hoạt tính của một số men tiêu hóa protein của cá vì vậy hiệu quả sử dụng protein của thức ăn sẽ thấp, gây lãng phí protein và ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Đây là vấn đề cần cân nhắc trong chế biến thức ăn cũng như lựa chọn thức ăn cho cá tra.

Khi nói đến protein, người ta không chỉ quan tâm đến hàm lượng của nó trong thức ăn mà còn chú ý đến các acid amin tham gia cấu tạo nên protein (đặc biệt là thành phần và tỷ lệ các acid amin thiết yếu trong protein).

Nhu cầu acid amin thiết yếu thường được tính theo % trong protein thức ăn. Nhu cầu acid amin thiết yếu thay đổi theo hàm lượng protein trong thức ăn. Đối với cá tra, nhu cầu lysine và methionine lần lượt là 5,35% và 2,67% protein của thức ăn (Trần Thị Thanh Hiền, 2009). Như vậy, nếu hàm lượng protein của thức ăn là 32% thì hàm lượng lysine trong thức ăn là 1,71% và methionine là 0,86%.

Để đảm bảo sự cân bằng về acid amin, tăng khả năng tiêu hóa thức ăn của cá tra nên phối chế hợp lý nguyên liệu cung cấp protein từ nhiều nguốn. Khi phối chế khẩu phần thức ăn cho cá tra thường sử dụng một số nguồn nguyên liệu thực vật, rẻ tiền, nhưng những nguồn nguyên liệu này thường thiếu lysine, methionine. Do đó, khi phối chế thức ăn cho cá tra có thể bổ sung thêm acid amin này.

Thức ăn cung cấp thiếu protein, acid amin thiết yếu không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng, sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cá nuôi, môi trường ao nuôi và nhiều vấn đề khác. Hiện nay do giá thức ăn tăng cao nên người nuôi có khuynh hướng lựa chọn thức ăn có hàm lượng đạm thấp, giá rẻ nên dẫn đến cá tăng trưởng chậm, tỉ lệ mỡ cao. Vì vậy, nhà sản xuất thức ăn, người nuôi cá cần cân nhắc kỹ trong việc sản xuất, lựa chọn thức ăn cho cá sao cho đạt hiệu quả nhất.

PGS. TS T.T.Thanh Hiền, Khoa TS, ĐHCT UV Việt Nam