TIN THỦY SẢN

Những mảnh đời thuyền thúng

đoàn xá

Mặc dù không phải là ngư trường lớn nhưng với ngư dân xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam - Bình Thuận), biển Kê Gà thực sự là nguồn sống của họ. Chiếc thúng mỏng manh nhưng đầy ắp cá, tôm sau một ngày giăng lưới đã trở thành niềm vui và hy vọng.

Chuyện thúng chai

Trên doi cát dài chứa chan nắng tháng 3, biển rì rào tiếng sóng, anh Trần Văn Biên, 37 tuổi, ở ấp Cây Găng (xã Tân Thành) đang chuẩn bị ghe lưới, cười và nói với chúng tôi: Xem ti vi thấy Chính phủ dừng dự án xây cảng Kê Gà nên ngư dân lại rủ nhau ra khơi. Chiếc thúng có đường kính 2 - 3m, đan bằng tre cật có thể chở 2 - 3 người, có lưới túi, gắn máy đuôi tôm công suất nhỏ là phương tiện đánh bắt chủ yếu của ngư dân vùng biển từ Phan Thiết cho tới La Gi.

“Với ngư dân vùng Kê Gà, chúng tôi chỉ đi biển theo ngày, nghĩa là khoảng giữa trưa bắt đầu ra khơi, tới sớm hôm sau là về bến cảng. Ngư trường cũng chủ yếu quanh khu vực biển Kê Gà, bán kính chừng 20 hải lý. Mặc dù phương tiện nhỏ, đi gần nhưng sản phẩm đánh bắt được cũng khá đa dạng. Theo đó, một chuyến biển với 2 lao động, gồm 1 người chèo thúng, 1 người thả lưới thay nhau thì một đêm có thể thu về 200.000 - 300.000 đồng, đánh bắt chủ yếu là ghẹ, mực, cá… Điểm lợi nhất của ngư dân làm nghề thúng chai chính là không tốn kém chi phí đá lạnh, xăng dầu nên đánh bắt được bao nhiêu lãi bấy nhiêu”, anh Biên cho biết.

Ngày nay, ngoài những làng nghề truyền thống đan thúng chai thì ở Bình Thuận, ngư dân còn sử dụng thúng làm bằng nhựa composite, chất lượng tốt, nhẹ, tiện bảo quản và đặc biệt là không sợ chìm.

Trước đây, do cảng Kê Gà được Nhà nước quy hoạch làm nơi vận chuyển bô-xít phục vụ xuất khẩu nên ngư dân làm nghề thúng chai phần thì bỏ nghề, phần phải bán thúng, hùn nhau mua ghe thuyền lớn tiếp tục ra khơi, một số thì xuôi xuống dưới vùng biển Hàm Tân, La Gi để tiếp tục đánh bắt, khai thác hải sản. Có lúc người ta nghĩ, một ngày nào đó, chiếc thúng chai quen thuộc sẽ không còn xuất hiện ở Kê Gà. Tuy nhiên, sau mấy năm thăng trầm, nay ngư dân Kê Gà được quay trở lại với nghề truyền thống đặc trưng của mình.

Hạnh phúc đời lộng

Hiện nay, ngư dân làm nghề thúng chai không chỉ bám biển ven bờ mà do nhu cầu của cuộc sống, nghề thúng chai cũng có thể vươn khơi, tham gia đánh bắt ở những ngư trường cách bờ hàng trăm hải lý. Ông Nguyễn Văn Tài, người làm nghề thúng chai thuộc loại lâu đời nhất Kê Gà cho biết: “Khi cảng Kê Gà được quy hoạch để đón tàu ghe công nghiệp thì các loài hải sản như cá, tôm, ghẹ, mực,... giảm đi nhiều do ô nhiễm môi trường; dòng chảy, hướng nước trong khu vực ven bán đảo Hòn Bà bị thay đổi khá nhiều khiến cho nghề biển, nhất là thúng chai, bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngư dân nơi đây vẫn cố gắng gắn bó với nghề. Theo đó, ngư dân chỉ cần liên kết với nhau (cứ khoảng 20 chiếc thúng chai liên kết với 1 chiếc ghe lớn cỡ 45 mã lực) là có thể cùng nhau vào lộng để đánh bắt. Với phương thức này, chiếc ghe lớn sẽ chở những chiếc thúng chai tới ngư trường, sau đó các thúng chai tự do vào lộng, đánh bắt tùy ý mình với bán kính một vài hải lý, thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm, khai thác xong lại tập hợp nhau để cùng lên ghe quay về đất liền. Những chuyến ra khơi, vào lộng như vậy thường kéo dài 2 - 3 ngày, tùy từng ngư trường.

“Ưu điểm của mô hình liên kết này là ngư dân vẫn phát huy được sở trường sử dụng thúng chai, khai thác và đánh bắt nhỏ lẻ, tiết kiệm được nhiên liệu (mỗi thúng mất khoảng 100.000 đồng tiền dầu/chuyến) mà lại có thể tới được những ngư trường lớn, có nhiều dòng cá. Sau mỗi chuyến, ngư dân thường đút túi từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/người. Đây là cách làm sáng tạo, năng động, phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt là nhờ “thuyền mẹ” bảo vệ mà các “thúng chai con” không phải lo mưa bão”, ông Tài nói.

Nhìn hàng trăm chiếc thúng nằm úp yên ả trên bãi cát, trong khi ngư dân thì hối hả cân cá, tươi cười nhận những đồng tiền mặn mùi biển cả, chúng tôi cũng thấy vui lây. Hơn bao giờ hết, những mảnh đời thúng chai tuy nhỏ bé nhưng vẫn tìm thấy cho mình sinh kế hữu hiệu, dựa vào biển quê hương như muôn đời cha ông vẫn vậy.

đoàn xá kinhtenongthon.com.vn