Nông dân khá giả nhờ nuôi loại tôm "nhà giàu"
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đang được nhiều bà con nông dân tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa áp dụng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến thôn Sơn Trang (xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hỏi tên ông Đinh Xuân Hải, người dân ai nấy đều biết. Lão nông tóc điểm bạc, gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản từ năm 14 tuổi, cho nên mọi thắc mắc về đặc tính của từng giống, loài đều được ông giải đáp cặn kẽ, nhiệt tình.
Sau nhiều năm triển khai mô hình nuôi tôm sú, cua, không mang lại hiệu quả kinh tế, ông Hải quyết định chuyển sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ theo hình thức thâm canh công nghệ cao.
Sau khi dùng hết vốn liếng cùng khoản tiền vay mượn để đầu tư, hiện tại, đầm tôm của gia đình ông Hải đã lên tới 12 ao nuôi với diện tích hơn 6ha. Đầm tôm của ông luôn duy trì hơn 10 lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.
Ảnh: doanhnghieptiepthi.vn
Ông Hải cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng khác hẳn so với nuôi tôm quảng canh, bởi người nông dân phải đầu tư lớn về công nghệ và tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến chăm sóc. Riêng khoản tiền đầu tư về công nghệ, máy móc, vật liệu... để nuôi tôm thẻ chân trắng, gia đình ông Hải đã tiêu tốn gần 20 tỷ đồng.
“Muốn nuôi tôm thẻ chân trắng trước hết phải có tiền đầu tư. Tôm thẻ chân trắng không khó nuôi, nhưng phải biết cách chăm sóc và sát sao với từng biểu hiện của con tôm. Đặc tính của giống tôm này là ăn sạch, ở sạch. Nếu ở bẩn, tôm sẽ mắc bệnh gan. Đặc biệt, khi cho tôm ăn phải đảm bảo nguyên tắc ăn thiếu còn hơn ăn thừa. Nếu cho tôm ăn thừa thì lượng thức ăn sẽ tồn đọng dưới đáy, phân hủy, gây bệnh cho tôm. Đối với tôm trong giai đoạn phát triển mạnh cần thường xuyên thay nước bằng việc xả đáy và bồi nước đã qua xử lý vào ao...”, ông Hải chia sẻ bí quyết.
Ông Hải chia sẻ thêm, việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao phải đầu tư nhà màng che chắn, bởi khi trời mưa sẽ làm các chỉ số môi trường thay đổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Nhà màng trong nuôi tôm thẻ chân trắng có thể làm theo nhiều cách tùy thuộc vào cách vận hành hồ nuôi của mỗi hộ, nhưng phải tạo khoảng trống để ao có ánh nắng trực tiếp làm cho tảo có lợi phát triển hỗ trợ hệ sinh thái trong ao nuôi cũng như thức ăn cho tôm.
Hiện nay, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Hải đạt từ 160-170 tấn/2 vụ/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm đầm tôm của gia đình ông Hải cho thu nhập khoảng từ 6 đến 7 tỷ đồng. Số tiền này ông dành một phần cho tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế điển hình mang lại giá trị, thu nhập cao tại xã Hoằng Yến.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa) cho biết, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và công nghệ lớn nhất huyện với gần 100ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ nhà màng đạt khoảng 20ha. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn của xã ước đạt hơn 900 tấn; giá trị sản xuất đạt khoảng 20 tỷ đồng. Riêng nuôi tôm thẻ chân trắng đã và đang giúp bà con nơi đây có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân đã trở nên khá giả từ mô hình này.
"Khó khăn nhất của các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã là việc tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng sản xuất, bởi tài sản thế chấp hạn chế, trong khi đó đất của các hộ nuôi tôm chủ yếu là đất thầu của xã. Giải quyết được điểm nghẽn về vốn, tôi tin rằng, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới", ông Bình cho hay.
Toàn huyện Hoằng Hóa hiện có 2.910ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, nuôi nước lợ là 1.832,4ha, nuôi nước ngọt 1.077,6ha.
Năm 2021 sản lượng nuôi trồng đạt 7.939 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 964.510 triệu đồng, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 225 triệu đồng/ha/năm.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm 2022 đạt 7.375 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 9 tháng đầu năm 2022 đạt 892.141 triệu đồng, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 233 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, UBND huyện Hoằng Hóa đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nuôi tôm thâm canh, ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao tại 17 xã với diện tích 304ha (trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh trong nhà màng là 75ha), điển hình như các xã Hoằng Yến, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong, Hoằng Phụ...