Nông dân nuôi cá tra: miếng xương nhận lại
Nếu chia con cá tra làm ba phần trong chuỗi giá trị, phần xương xẩu, khó nuốt nhất thuộc về người nuôi. Ngành công nghiệp xuất khẩu mới này của Việt Nam sau nhiều năm vẫn không chủ động được cả đầu vào lẫn đầu ra.
Các doanh nghiệp tranh nhau hạ giá bán, người chịu thiệt nhất vẫn là nông dân. Ảnh: Đức Vịnh
Điều kỳ lạ là VN đang nắm giữ trên 90% thị phần cá tra toàn cầu, xét về mặt kinh tế học, là nắm giữ độc quyền cung ứng sản phẩm đặc hữu này cho cả thế giới tiêu dùng cá tra. Nhưng tại sao “nhà độc quyền” lại không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần?
Câu trả lời chính là hệ lụy do phát triển nóng ngành cá tra, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm từ nhiều năm trước. Nay trong cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu làm ăn chụp giật, tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp để có tiền xoay vòng. Chính điều này đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần”. Và giá trần thì liên tục hạ.
Ba khúc cá tra
Nhìn theo chuỗi giá trị, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, giám đốc Viện Nghiên cứu - phát triển ĐBSCL, cho rằng con cá tra VN đang bị chặt ra làm ba khúc. “Khúc đầu cho nhà phân phối nước ngoài và lên bàn ăn, khoảng 15-17 USD/kg. Khúc giữa cho các DN chế biến, xuất khẩu philê, khoảng 3,2-3,4 USD/kg. Người nuôi chỉ được khúc đuôi từ 1,2-1,4 USD/kg. Đây là “phần ăn” lắm xương vì luôn đi kèm nguy cơ chịu rủi ro mất trắng, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, môi trường”.
Mà đó là khi bài toán “tích phân” này được giải trong điều kiện bình thường. Khi tình hình biến động bất lợi, phần thua thiệt nhiều hơn cũng thường rơi vào nông dân. Chưa kể, hiện nay 70% chi phí giá thành so với giá bán cá tra là giá thức ăn cho cá. Mà 80-90% DN nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn và thuốc thú y thủy sản, quyết định giá nguyên liệu. Như vậy, sản xuất cá tra, từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, người nông dân đều không có quyền quyết định đối với sản phẩm của mình làm ra, sản xuất bấp bênh theo những toan tính của lợi ích bên ngoài.
Những “luật chơi” còn thiếu
Theo TS Sánh, liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi cá tra” để các DN ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài vẫn là lời giải duy nhất cho toàn bộ cuộc “khủng hoảng cá tra” hiện nay. Trong đó, rất cần sớm có lộ trình cải tổ ngành sản xuất cá tra theo hướng “liên kết chuỗi giá trị ngành hàng”; phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng này trong câu chuyện cá tra VN, tiến tới thành lập sàn giao dịch cá tra hoạt động thực chất và hiệu quả.
Đến cuối năm 2011, sản xuất cá tra đạt hơn 600.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,8 tỉ USD. So với chỉ tiêu đến năm 2015 của “Đề án cá tra” (đến năm 2015, sản lượng cá nguyên liệu đạt 1,8 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu đạt 750.000 tấn, tiêu thụ nội địa 150.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỉ USD...) thì “đế ngư nước ngọt” này đang bơi về đích. Nhưng trong kim ngạch 1,8 tỉ USD xuất khẩu được, thì người nuôi nhận được bao nhiêu phần trăm? Con cá tra bị “chặt làm nhiều khúc” là điều bình thường trong cơ chế thị trường, vấn đề là đừng để người nuôi cứ phải nhận mãi phần xương xẩu.
Đã có rất nhiều bài học thành công lẫn thất bại của xứ người được tham khảo, học tập, nhiều ý kiến thậm chí đề xuất quy định việc sản xuất, kinh doanh thủy sản là hoạt động có điều kiện, quy hoạch lại vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất... Cả những ý kiến cho rằng cần luật hóa những quy định như giá sàn xuất khẩu, cơ chế đàm phán giá, mức phí xuất khẩu, sử dụng quỹ phát triển xuất khẩu, tăng cường hoạt động thực chất của hiệp hội ngành nghề.
Gần đây, giới quan sát chú ý việc Sở Giao dịch hàng hóa Singapore chọn TP.HCM làm điểm tiêu chuẩn giao hàng cho hợp đồng giao dịch hạt tiêu, như một minh chứng cho vị thế đang lên của VN như trung tâm giao dịch hàng hóa uy tín. Với tiêu, điều, cà phê, sắp tới sẽ là cao su... chúng ta đã làm được. Một trung tâm giao dịch thủy sản của VN tại châu Âu vừa được mở ở Brussels (Bỉ).
Những hoạt động hiệu quả thực chất, theo phương thức kinh doanh hiện đại kiểu như sàn giao dịch hàng hóa, tất nhiên không phải ngày một ngày hai có được. Đó là một quá trình chuyển đổi tận gốc rễ theo chuỗi giá trị, từ “truy xuất” nguồn gốc cá tra đến “sàn giao dịch hàng hóa”. Đường đi phía trước để đưa cá tra VN trở lại bầy đàn mạnh mẽ hơn trong cuộc đua mới, nếu không khởi động ngay chắc chắn sẽ chậm chân.