Nông sản “sạch” lên ngôi
Cà Mau đang tích cực triển khai thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm.
Đây là dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý. Mô hình được triển khai tại xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau).
Anh Phan Hoàng Minh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Vụ lúa vừa qua, người dân trong vùng dự án thu hoạch hơn 7 tấn/ha, tăng hơn 2 tấn/ha so với cùng kỳ. Càng phấn khởi hơn khi Dự án đã được Trung ương phê duyệt; 120ha trong dự án đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và hướng tới sẽ nhân rộng”.
Mục tiêu của Dự án là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Minh thông tin: “Trên đà thắng lợi đã qua, đến tháng 8 tới, khi vào mùa vụ sẽ triển khai tiếp mô hình với 80ha”.
Kỹ sư Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, chia sẻ: “Dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh”.
Thống kê sơ bộ, Cà Mau hiện có khoảng 168ha đất trồng đạt chuẩn VietGAP, trong đó có khoảng 120ha lúa. Theo ngành Nông nghiệp, hệ canh tác lúa mùa đặc sản rất phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện xâm nhập mặn ngày càng tăng ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Trong hệ thống lúa - tôm, giống lúa mùa đặc sản địa phương có tính thích ứng cao do có kiểu hình thích nghi vùng trũng thấp, chịu mặn tốt và chống chịu sâu bệnh.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết lúa gạo là một trong 4 ngành hàng chủ lực được chọn để triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Hiện, Sở đang triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch.
Cơ hội cho ngành tôm
Tỉnh Cà Mau có trên 280.000ha nuôi tôm, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; phấn đấu đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 4 tỷ USD. Hiện nay, tỉnh có trên 30 nhà máy chế biến, với công suất khoảng 200.000 tấn/năm, trong đó chế biến tôm là chủ yếu. Giá tôm có chứng nhận bình quân cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Sản phẩm tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia; trong đó thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cùng Chương trình SeafoodWatch và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản và Lễ ký kết tham gia Liên minh Sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam”. Các “ông chủ lớn” của ngành tôm, các hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp hiệu quả, các hộ nông dân, các doanh nghiệp công nghệ trong nông nghiệp đã có tiếng nói chung và đồng thuận ký kết tham gia Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam. Điều này không chỉ đảm bảo việc lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng mà còn tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn, tất cả vì mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.
Nông nghiệp thông minh, hay nông nghiệp thời đại 4.0, không còn xa lạ với nông dân Cà Mau nữa. Chuyện nông dân tự chế tạo, cải thiện dụng cụ, máy móc, hay lướt Internet học hỏi khoa học công nghệ là chuyện thường ngày; cùng với đó là những chính sách ưu việt từ phía Nhà nước. Tin rằng ngành Nông nghiệp thông minh sẽ ngày càng trụ vững trong nền kinh tế, ngay thời điểm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như hiện nay.
Nông dân vùng nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa - tôm của tỉnh Cà Mau đứng trước “cơ hội vàng” để tăng thu nhập. Trên những cánh đồng này, hạt lúa sắp được công nhận là sản phẩm sạch, được bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá cao. Con tôm trên cánh đồng lúa - tôm cũng sớm trở thành “tôm sạch”, tôm hữu cơ, phục vụ chế biến, xuất khẩu…
Nhờ tăng cường các giải pháp chuyển giao kỹ thuật mà giờ đây, nông dân Cà Mau hiểu biết và chủ động lựa chọn những cách thức sản xuất mới mang tính bền vững, ít rủi ro và thân thiện với môi trường, trong đó lúa - tôm là một trong những lựa chọn được ưu tiên. Thực tế sản xuất đã qua cho thấy, gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra xung đột mà bổ trợ cho nhau, giúp lúa ít bệnh hơn so với độc canh cây lúa và ngược lại, con tôm cũng ít bệnh hơn so với chỉ chuyên nuôi tôm.
Từ sự chủ động của toàn hệ thống chính trị, con tôm và cây lúa đã khẳng định vai trò chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thời điểm này và trong tương lai.