TIN THỦY SẢN

Nuôi cá biển quy mô công nghiệp: Hướng đi của tương lai

Những lồng nuôi cá chẽm của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam trên vịnh Vân Phong. Ảnh minh họa Hải Luân

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặt mục tiêu nuôi theo quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng biển khơi với diện tích rất lớn. Khánh Hòa hiện là trung tâm nuôi cá biển quy mô công nghiệp lớn nhất nước. Từ đề án của Chính phủ, Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh chiến lược nuôi cá biển lớn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề đặt ra.

Đừng để quy hoạch chạy theo thực tiễn

Vùng biển Khánh Hòa đã tiếp cận công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp sớm nhất Việt Nam. Năm 2000, Công ty Ngọc Trai đã đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE (vật liệu ống nhựa chuyên dụng) tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Năm 2006, Công ty Majine Fams ASA (Na Uy) nhập toàn bộ thiết bị và công nghệ nuôi cá biển quy mô công nghiệp ở Vân Phong.  Năm 2007, Hải đoàn 129 (Quân cảng Sài Gòn - Quân chủng Hải quân) thực hiện dự án “Thí điểm nuôi trồng hải sản đảo Ðá Tây” huyện Trường Sa. Năm 2013, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I triển khai dự án trình diễn nuôi biển theo quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong. Năm 2020, ông Nguyễn Xuân Hòa (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) đã đầu tư nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE ở vịnh Vân Phong. Đây là những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiên phong nuôi biển theo quy mô công nghiệp, tích lũy những vốn quý về kinh nghiệm thực tiễn.

Chính phủ đã đưa ra chính sách để khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vốn vươn ra “đầu sóng ngọn gió” nuôi biển. Đây là chủ trương đúng và trúng với xu thế phát triển kinh tế biển. Tại Khánh Hòa, mật độ nuôi cá biển quy mô công nghiệp còn ít so với diện tích các vịnh và vùng biển khơi của tỉnh. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh cần xác định những vấn đề cốt lõi của nuôi biển quy mô công nghiệp, tránh tình trạng những chính sách quản lý của địa phương triển khai bị chậm, dẫn đến chạy theo thực tiễn, gây khó khăn cho người nuôi trồng, thậm chí thiệt hại nặng về kinh tế.

Sau nhiều năm thành công về nuôi cá biển quy mô công nghiệp, ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Môi trường nước sạch quyết định thắng lợi hay thất bại trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải kiểm soát dịch bệnh bằng cả hệ sinh thái vùng nuôi, nghĩa là quan tâm đến ngoài vùng nuôi của cộng đồng. Bởi vì, mầm bệnh hoặc nước xấu có thể từ chỗ khác đến khu vực lồng nuôi của mình. Nhà chức trách nên lập quy hoạch vùng nuôi sớm nhất có thể để người dân và doanh nghiệp định hình mức đầu tư, mua sắm tàu thuyền, lồng, lưới chịu được sức tàn phá của gió lớn, sóng biển cao. Quy hoạch cần quy định khoảng cách từ hộ nuôi này với hộ nuôi kia nên cách nhau 1.000 mét. Bài học từ những bè nuôi tôm hùm trên biển Vân Phong, Cam Ranh của ngư dân sát nhau, môi trường nước không bảo đảm, tôm dễ sinh bệnh”.

Hướng đến bán ở “chợ toàn cầu”

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa không đáng kể nên lượng cá nuôi ở lồng, bè trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Khi số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia nuôi cá biển theo quy trình công nghiệp tăng lên, sản lượng sẽ lên đến hàng chục nghìn tấn mỗi năm thì phải xuất khẩu mới tiêu thụ hết. Hiện nay, đa số thị trường nhập khẩu hàng thủy sản, nông sản trên thế giới đều yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, UBND tỉnh cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định nuôi biển quy mô công nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGap. Đây là “tấm vé” quan trọng để bán được cá ở “chợ toàn cầu”. Nếu nuôi cá công nghiệp chỉ theo tiêu chuẩn VietGap thì khó xuất khẩu vì VietGap chỉ có giá trị ở thị trường trong nước.


Thu hoạch cá nuôi theo mô hình công nghiệp ở Vân Phong. Ảnh minh họa

Nếu áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap vào từng hộ dân hoặc doanh nghiệp nuôi nhỏ, sản lượng chỉ vài chục tấn/năm thì giá thành sản xuất rất cao, sẽ khó thực hiện. Vì thế, cần liên kết nhiều hộ hoặc doanh nghiệp và ngư dân ở trong vùng nuôi với nhau, có thể áp dụng giống như hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. “Làm theo cách này, tổng diện tích nuôi và sản lượng cá nâng lên, áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGap, chia đều chi phí cho từng lồng sẽ nhẹ gánh chi phí. Mặt khác, hợp tác xã có sản lượng cá lớn, có thể đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp bán thức ăn cho cá với giá thấp nhất. Hợp tác xã có thể làm luôn khâu chế biến xuất khẩu, hoặc bán trực tiếp cho các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, coi như “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Nuôi cá theo quy mô công nghiệp phải tính đến những phương án này ngay từ đầu để tránh tình trạng nuôi cá lớn rồi bán không ai mua, phải tìm cách “giải cứu” thủy sản” - Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Nuôi trồng Thủy sản, Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) đề xuất.

Cần liên kết đầu tư

Nuôi cá công nghiệp sử dụng lồng lớn, mỗi giàn lưới nặng hàng tấn, neo cố định lồng 4 - 5 tấn/neo bê tông, cần phải có tàu lớn, gắn cần cẩu để thực hiện các thao tác. Một hộ hoặc một doanh nghiệp nhỏ sẽ rất khó bỏ vốn 3-7 tỷ đồng để đóng một chiếc tàu như vậy. “Vì vậy, những hộ vốn ít cần liên kết với nhiều người nuôi trong vùng để cùng đóng 1 chiếc tàu lớn làm dịch vụ thả neo, thay lưới, kéo lồng. Thời gian đầu đặt lồng mới xuống biển, cố định vào hệ thống neo, thả lưới,… tàu lớn mới hoạt động nhiều. Còn trong quá trình nuôi, khoảng 1 - 2 tháng mới cần đến tàu cẩu thay lưới/lần. Vài chục lồng hợp lại đóng 1 tàu lớn, vừa cẩu, vừa vận chuyển cá. Mỗi hộ chỉ cần đóng chiếc tàu nhỏ trị giá 100 - 200 triệu đồng, đủ sức hoạt động thường xuyên trong nội bộ lồng, bè của mình” - kỹ sư Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đang nuôi cá ở vịnh Vân Phong nêu kinh nghiệm.

Nuôi cá biển bằng lồng lớn thường ở vùng nước sâu, dòng chảy lớn nên cần ứng dụng công nghệ cao, sử dụng vật liệu chất lượng. Còn nhớ cơn bão số 12 (năm 2017) đổ bộ trực tiếp vào Khánh Hòa đã đánh tan hoang lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang. Thế nhưng, toàn bộ số lồng lớn nuôi cá biển của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I ở vịnh Vân Phong không bị hư hại gì, ngược lại còn làm “bức tường” chắn cho hàng trăm lồng, bè và mấy chiếc tàu hàng trôi dạt trên biển. “Bão số 12 đã “chỉ” ra nhiều khiếm khuyết về sử dụng vật tư đúng chủng loại chuyên nuôi biển, những cục neo bê tông ở dưới đáy biển đủ sức chịu đựng cho cả hệ thống lồng, sức chịu của lưới nuôi,… Đây là bài kiểm tra thực tiễn trên biển khắc nghiệt và hiệu quả nhất” - kỹ sư Phương chỉ ra những điểm cần lưu ý.

Theo kỹ sư Phương, người dân đừng ham rẻ, sử dụng các loại ống nước thông thường làm lồng nuôi cá biển công nghiệp, bởi khi có bão rất dễ bị vỡ ống, dẫn đến lồng cá bị chìm. Hiện nay, trong nước chưa sản xuất loại ống làm lồng nuôi cá biển. Vì thế, nên chọn ống do Na Uy sản xuất có độ bền cao, chịu được bão lớn.

Ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam chia sẻ thông tin: Nuôi cá biển ở quy mô công nghiệp cần phải đầu tư dài hạn. Để đạt hiệu quả phải giải quyết được 3 vấn đề then chốt là: Khâu sản xuất con giống được tuyển chọn kỹ lưỡng; kiểm soát dịch bệnh bằng cả hệ sinh thái vùng nuôi; thị trường tiêu thụ phải đa dạng. Mỗi năm, sản lượng cá của công ty nuôi ở vịnh Vân Phong đạt hơn 5.000 tấn chế biến xuất khẩu, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Hải Luân Báo Khánh Hòa