Nuôi cá chép trên ruộng bậc thang: nâng cao đời sống người dân
Trong những năm gần đây, nhờ phát triển nuôi cá chép trong ruộng bậc thang một vụ mà đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã nâng cao thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/ha/vụ.
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa là hình thức canh tác xen canh, giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Mô hình này đang được một số địa phương trên địa bàn huyện Bắc Quang tích cực triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nơi đây. Đặc biệt là Đồng Yên – xã có tới 16 dân tộc thiểu số sinh sống.
Nông dân xã Đồng Yên canh tác lúa chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang một vụ, do phải lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Bắt đầu từ tháng 5 dương lịch, khi trời có mưa là thời điểm người dân xã Đồng Yên tiến hành làm đất để gieo cấy vụ lúa mùa (cũng là vụ lúa duy nhất trong năm). Đến thời điểm trung tuần tháng 6, khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ là thời điểm người dân tiến hành thả cá giống vào trong ruộng lúa. Sau khi thả cá khoảng 3,5 - 4 tháng, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, khi lúa bước vào giai đoạn chín người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và đây cũng là thời điểm cá được thu hoạch.
Những loại cá được thả nuôi chủ yếu trong ruộng lúa là cá chép giống địa phương có trọng lượng nhỏ, cá giống khi thả có trọng lượng từ 0,15 – 0,2 kg/con và khi thu hoạch chỉ đạt từ 0,45 – 0,6 kg/con nhưng lại có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao, từ 110 – 120 nghìn đồng/kg. Ngoài cá chép, người dân xã Đồng Yên còn thả thêm cá diếc trong ruộng lúa nhằm tăng thu nhập.
Theo anh Hoàng Văn Khu, cán bộ khuyến nông xã Đồng Yên, muốn thả cá trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người dân phải tiến hành làm một rãnh sâu từ 30 – 35 cm, rộng từ 30 - 40 cm chạy dọc theo mép ruộng ở phía giáp với phần ruộng bâc thang phía trên. Bên cạnh đó, bà con phải đắp bờ ruộng cao hơn bình thường để tránh cá bị trôi xuống các ruộng phía dưới khi trời mưa. Việc làm rãnh giúp cho cá dồn xuống để tránh nắng nóng khi gặp trời nắng và cũng thuận lợi trong thu hoạch cả cá lẫn lúa.
Người Dao ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thu hoạch cá trong ruộng lúa.
Theo đánh giá của người dân xã Đồng Yên, đối với những ruộng lúa có thả cá, người dân chỉ được bón lót bằng các loại phân hữu cơ hoai mục, vừa để bổ sung dinh dưỡng cho lúa và cũng tạo nguồn thức ăn phù du cho cá. Bởi nếu bón phân vô cơ cho lúa sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự sinh trưởng của cá. Khi hết vụ lúa, người dân giữ lại một phần cá thả vào các ao của gia đình để làm giống cho vụ sau.
Anh Vi Hiệu Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Yên cho biết: “Trong những năm qua, người dân trong xã đã đẩy mạnh phát triển nuôi thả cá trong các ruộng bậc thang canh tác lúa một vụ. Công việc thả cá chép và cá diếc trong ruộng lúa không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/ha mà còn giúp hạn chế và tiêu diệt sâu bệnh hại lúa. Đối với những ruộng lúa có thả cá thì thuốc trừ sâu cũng không được sử dụng. Từ đó giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong canh tác lúa và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn…”.
Nhận thấy công việc thả cá trong ruộng lúa mang lại nhiều lợi ich về kinh tế và môi trường, UBND xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển và mở rộng qui mô canh tác lúa – cá, như mời các cán bộ Trung tâm Thủy sản của tỉnh về tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả của thả cá trong ruộng lúa; kỹ thuật nuôi cá giống qua đông, kỹ thuật phòng bệnh cho cá…
Trong những năm qua, mô hình canh tác lúa – cá của người dân xã Đồng Yên không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là điểm tham quan của các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.