Nuôi cá ứng dụng công nghệ "sông trong ao"
Thúc đẩy phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả, UBND tỉnh Hà Nam đã triển khai đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” sản xuất theo chuỗi.
Sau hơn 1 năm thực hiện, đề án đã mang lại những kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục tham gia đề án năm 2018 và được hỗ trợ theo hình thức sau đầu tư 50% kinh phí mua cá giống, 30% kinh phí mua vật tư (chế phẩm xử lý môi trường, thuốc phòng chữa bệnh), 100% kinh phí tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Tổng kinh phí được hỗ trợ lên tới 210 triệu đồng.
Trên diện tích 2,5 ha ao, anh Thường đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 3 bể nuôi cá trắm và chép theo công nghệ “sông trong ao”. Sau 6 tháng, kích cỡ thu hoạch trung bình cá trắm cỏ 2,5 - 3 kg, cá chép 1,8 - 2 kg với năng suất đạt gần 15 tấn/bể, lợi nhuận thu trên 120 triệu đồng/bể.
So với nuôi cá truyền thống, nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần. Hiện lứa cá trắm, chép thứ hai trong 3 bể đang sinh trưởng phát triển rất tốt, năng suất dự kiến đạt cao hơn lứa đầu. Gia đình anh Thường đang có ý định đầu tư xây dựng thêm 2 bể nuôi nữa.
Năm 2019, đề án tiếp tục triển khai thêm 7 mô hình nữa tại các xã: Châu Giang, Chuyên Ngoại, Trác Văn (huyện Duy Tiên), Nhân Đạo (Lý Nhân, Mỹ Thọ (huyện Bình Lục), Thanh Sơn (Kim Bảng) và Kim Bình (thành phố Phủ Lý).
Trước đây, trang trại của anh Trần Thái Hữu, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục chủ yếu chăn nuôi lợn và thả cá với số lượng ít. Từ sau đợt “bão giá” năm 2017, anh phải bỏ hẳn nuôi lợn chuyển sang tập trung nuôi cá. Tuy nhiên, cá nuôi theo phương pháp truyền thống năng suất không cao. Qua tham quan, tìm hiểu, anh Hữu quyết định đăng ký tham gia đề án xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” sản xuất theo chuỗi của tỉnh.
Khi bắt tay vào thực hiện mô hình anh Hữu cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, khi tham gia đề án, không những được hỗ trợ về kinh phí mà anh còn được cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệt tình hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật từ xây dựng bể, ao nuôi, lắp đặt máy móc thiết bị, xử lý nguồn nước trước khi thả cá giống, lựa chọn thức ăn và cá giống cho đến cách ghi chép sổ theo dõi sử dụng thức ăn, chất xử lý, cải tạo môi trường, thuốc phòng, trị bệnh...
Đến nay, 2 bể cá nuôi cá trắm và chép của anh Hữu đã được gần 2 tháng. Mặc dù mật độ cá thả khá cao nhưng tại mỗi máng đều có máy bơm nước lưu thông một chiều, tạo thành dòng sông nhỏ giúp cá luôn vận động, kích thích cá ăn nhiều. Cuối máng lắp đặt máy hút phân cá ra ngoài, tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Chính vì thế, cá không bị bệnh, lớn rất nhanh, dự kiến cho năng suất cao hơn hẳn với cách nuôi truyền thống.
Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao giá bán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam đã kết nối, hướng dẫn các hộ ký hợp đồng với Hợp tác xã sản xuất và thương mại Thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, Hợp tác xã Thủy sản Xuyên Việt cung cấp cá giống, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ cho hộ nuôi cá. Hộ nuôi cá cam kết thực hiện đúng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng của hợp tác xã và bán sản phẩm cho hợp tác xã. Thời gian, số lượng, kích cỡ sản phẩm thu hoạch theo từng đơn hàng cụ thể.
Ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam) cho biết, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” lần đầu được triển khai tại tỉnh Hà Nam. Cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm tra chất lượng các yếu tố đầu vào. Do đó, thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống.
Mô hình còn chủ động được nguồn nước tại chỗ, nước trong ao không cần thay thế mà sử dụng tuần hoàn liên tục 8 - 10 năm, khắc phục được tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước cấp hiện nay.
Tuy nhiên, mô hình công nghệ cao nên yêu cầu điều kiện về kỹ thuật cũng như suất đầu tư khắt khe hơn so với nuôi cá truyền thống. Nếu các hộ tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật, mô hình sẽ cho năng suất, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp đánh giá hiệu quả mô hình trước khi nhân rộng trong thời gian tiếp theo.