TIN THỦY SẢN

Nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế cao

Văn Phô - Đài Truyền thanh thị xã Tân Châu

Nông dân Võ Thành Ngay, 52 tuổi, ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Lộc (TX Tân Châu), sau hơn 8 năm thử nghiệm, ông đã thuần dưỡng và cho sinh sản thành công mô hình nuôi rùa đất lớn (mà người dân thường gọi là Càn đước). Đây là một loài động vật hoang dã không còn nhiều ngoài môi trường tự nhiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Võ Thành Ngay, Càn đước dễ nuôi, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ tìm, chủ yếu là trái cây chín, ốc, tép, cá tạp, rau muống,...  Ông đầu tư xây dựng 2 bể nuôi kiên cố, có hệ thống xử lý nước thải. Qua gần 2 năm chăm sóc, Càn đước phát triển tốt, tỷ lệ con sống cao, trọng lượng mỗi con tăng từ 2 – 3 kg, xuất bán lứa đầu tiên với giá 450.000đ/kg, lãi trên 16 triệu đồng. Giá bán mỗi con rùa giống: 800.000đ/con, chỉ tính riêng trong năm 2014 ông Ngay thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Ông Ngay cho biết thêm, Càn đước tuy dễ nuôi, nhưng chậm lớn, do đó đòi hỏi người chăn nuôi phải chịu khó, kiên trì, sau 3 năm, người nuôi mới có lời. Năm đầu tiên,Càn đước chỉ tăng trọng vài trăm gram. Hết năm thứ hai, chúng có thể đạt từ 2 - 3kg/con và hết năm thứ ba, nếu được chăm sóc tốt, chúng đạt từ 4- 5kg/con. Đặc biệt là mô hình nuôi Càn đước không phụ thuộc nhiều vào thời gian, người nuôi có thể làm công việc khác, tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình.

Ông Ngay cho biết, lúc đầu do thiếu kiến thức, chưa có kỹ thuật nuôi nên Càn đước chậm lớn, đặc biệt là việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho Càn đước sinh sản, ít có tài liệu hướng dẫn. Do đó ông tự mày mò tìm hiểu thông tin trên sách báo, tham quan các mô hình chăn nuôi ở các xã lân cận, đặc biệt bỏ công để theo dõi thói quen ăn, uống, sinh hoạt… để tự tích lũy kinh nghiệm cho mình. Đến nay, ông Ngay sở hữu đến 37 con Càn đước (trong đó 28 con bố mẹ và 9 con hậu bị) bình quân mỗi con bố mẹ nặng từ 5 - 8kg.

Càn đước có đặc tính đẻ theo ổ, thường đẻ vào buổi tối, mỗi con đẻ từ 3 - 10 trứng, sau đó nhặt trứng đem vào lò ấp, sau 4 đến 7 tháng ấp, trứng sẽ nở ra con. Do là động vật hoang dã, nên giá càng Càn đước hiện nay rất cao, cung không đủ cầu, nếu tỷ lệ sinh sản đạt trên 50% thì người nuôi rất dễ khấm khá.

Đánh giá về mô hình nuôi Càn đước, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc cho biết, ông Võ Thành Ngay là một nông dân rất có sáng tạo trong việc sản xuất kinh doanh và ông đã đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Mô hình nuôi Càn đước là mô hình mới, hiệu quả kinh tế rất là cao, cần nhân rộng để phát triển kinh tế chung của địa phương.

Ngoài mô hình nuôi Càn đước, ông Ngay còn thực hiện thành công mô hình nuôi heo theo hướng công nghệ cao, xây túi biogas, mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi cá lóc, nuôi lươn và nhân giống lúa chất lượng cao. Chính nhờ các mô hình này, ông đã vươn lên từ chính đôi tay, nghị lực của mình, và nuôi con ăn học thành tài, hiện 2 đứa con của ông đã tốt nghiệp Đại học ra trường. Có thể nói, nông dân Võ Thành Ngay thật sự là tấm gương sáng trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” ở xã vùng biên Phú Lộc để mọi người học tập, noi theo.

Văn Phô - Đài Truyền thanh thị xã Tân Châu Sở NN&PTNT An Giang, 09/06/2015