Nuôi ngao Nam Định từ nhập giống đến tự cung tự cấp giống
Nghề sản xuất ngao giống đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân các huyện ven biển, đồng thời góp phần cung cấp nguồn giống đảm bảo cả số lượng và chất lượng cho các hộ nuôi, phát triển nghề theo hướng bền vững.
Hiện toàn tỉnh Bình Định có 104 cơ sở sản xuất ngao giống. Trong đó, huyện Giao Thủy có 93 cơ sở; Hải Hậu 8 cơ sở và Nghĩa Hưng có 3 cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã sản xuất được 6.280 triệu con ngao giống, cung cấp đủ nguồn ngao giống tốt cho người dân có nhu cầu nuôi trong và ngoài tỉnh. Ngao sinh sản quanh năm nhưng mùa sinh sản chính là từ tháng 4 đến tháng 6.
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết tháng 5 vừa qua diễn biến hết sức phức tạp, nắng mưa thất thường khiến ngao giống bị chết, người làm ngao giống phải sản xuất lại từ đầu.
Có mặt tại cơ sở nuôi ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống của anh Vũ Văn Bách, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) chúng tôi thấy được không khí lao động rất hối hả. Anh Bách cùng vợ đang thả ngao bố mẹ xuống bãi nuôi cho sinh sản. Anh Bách cho biết: “Nuôi ngao giống không khó như nuôi tôm, nuôi cá nhưng đòi hỏi người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm, kiên trì và chịu khó, phải nắm vững được kỹ thuật chăm cũng như cách chọn địa điểm bãi thả ngao thì sản xuất mới hiệu quả. Với kinh nghiệm 5-6 năm trong nghề sản xuất ngao giống, theo tôi quan trọng nhất là phải quản lý tốt nguồn nước sạch, không được tham, đảm bảo mật độ vừa phải khoảng 100kg/1.000m2 với cỡ giống 5 vạn con/kg”. Anh cho biết, khi ngao đẻ phải lấy ấu trùng ngay về thả xuống ao ương. Khi ngao giống to bằng chiếc cúc áo thì mang ra thả ở vùng đất cát dọc bờ biển để nuôi lớn.
Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật ương nuôi ngao, đến nay gia đình anh Bách không chỉ thành công với nuôi ngao thương phẩm mà còn ương ngao giống với chất lượng tốt, là cơ sở cung cấp ngao giống uy tín được nhiều người nuôi ngao trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Mỗi năm, trung bình gia đình anh thu lãi 2 tỷ đồng từ nuôi ngao thương phẩm và sản xuất ngao giống.
Trong thời gian tới, anh Bách sẽ đầu tư mở rộng thêm 3 ao nuôi và sản xuất ngao giống. Các vùng nuôi ngao của huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu đều có dồi dào nguồn giống tự nhiên. Hơn nữa, từ năm 2005, tỉnh ta đã đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất ngao giống tại chỗ và đến năm 2009 nghề sản xuất giống ngao mới thực sự bắt đầu.
Trước kia, người dân thường nhập ngao giống từ các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Thanh Hóa… Nhưng hiện nay các cơ sở sản xuất giống tên địa bàn tỉnh đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất với chất lượng con giống tốt hơn hẳn giống nhập từ nơi khác. Chính vì vậy, nguồn cung cấp ngao giống cho người nuôi ngao trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ hai nguồn thu gom tự nhiên và sản xuất tại chỗ. Hiện ngao giống sản xuất và thu gom trong tỉnh không những phục vụ nhu cầu của người nuôi trên địa bàn mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Theo định hướng phát triển sản xuất ngao của tỉnh, đến năm 2020 nhu cầu giống ngao cám cần thiết phục vụ cho nhu cầu nuôi từ 20-23 tỷ con/năm. Để sản xuất ngao giống tiếp tục phát triển bền vững, có giá trị kinh tế cao, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện ven biển, cùng các cơ quan chuyên môn thực hiện các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hành lang pháp lý… Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất ngao giống, cách lựa chọn ngao bố mẹ đạt yêu cầu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong ương, nuôi ngao giống cho người dân, góp phần tăng sản lượng con giống đáp ứng nhu cầu người nuôi… Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng chú trọng chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất ngao giống, nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi kênh mương tại vùng bãi triều, trong ao đầm nước lợ ương ngao giống. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tiền vốn, lao động, khoa học công nghệ để sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo khai thác có hiệu quả, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học vùng bãi triều ven biển.
Nghề sản xuất ngao giống ở Nam Định đã tạo được nguồn giống tại chỗ giúp dễ dàng kiểm soát chất lượng con giống, giảm thiểu chi phí cũng như hao hụt trong quá trình vận chuyển; đáp ứng được nhu cầu cho người nuôi; tăng hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Điều này cũng góp phần mang đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi thủy sản của tỉnh nói chung.