TIN THỦY SẢN

Nuôi thương phẩm cá chạch đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cá chạch đồng thương phẩm. Ảnh: NTN NTN

Cá chạch đồng là loài sống đáy, ở khu vực nước nông của sông, ao, hồ, kênh mương, ưa nước sạch; không thích hợp với môi trường bùn đáy ô nhiễm nhiều mùn bã hữu cơ.

Hiện nay, nguồn cá chạch đồng trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, hình thức nuôi thương phẩm đang mở ra nhiều kỳ vọng cho bà con nông dân. Sau đây là một số giải pháp kỹ thuật nuôi cá chạch đồng đơn giản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chọn địa điểm ao nuôi 

- Chọn ao nuôi có giao thông thuận tiện, đảm bảo an ninh.  

- Bờ ao chắc chắn, giữ được nước, có cống cấp và cống thoát nước. Đáy ao chất đất bùn bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát nước. 

- Nguồn nước phải chủ động, không thiếu vào mùa khô và không bị ngập vào mùa mưa lũ. Nguồn nước cấp và thoát trong ao dễ dàng. Nguồn nước sạch không bị ô nhiễm do chất thải nông, công nghiệp và sinh hoạt. 

- Ao nuôi nên xây dựng theo hình chữ nhật hoặc hình vuông. Diện tích ao nuôi từ 200 – 500 m2. Mức nước trong ao sâu từ 0,5 – 0,7 m. Trong ao có các mương, hố sâu 50 – 60 cm hoặc thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn và tránh nóng, tránh rét cho cá. 

Chuẩn bị ao nuôi 

- Bơm cạn ao, diệt hết cá tạp, cá dữ và làm sạch cây cỏ thủy sinh trong và xung quanh ao. 

- Vét bùn đáy ao, chỉ chừa lại một lớp bùn mỏng khoảng 10 - 20 cm.  

- Gia cố cống cấp thoát nước và lưới chắn. Tu sửa lại những chỗ bờ ao bị sạc lở, rò rỉ, lấp hết hang hốc cua, rắn, chuột. 

- Dùng vôi bột rải đều đáy và bờ ao với liều lượng từ 10 - 15 kg/100 m2 ao. Sau đó phơi ao 3 - 5 ngày. 

- Cấp nước vào ao qua lưới chắn lọc, mực nước khoảng 50 cm rồi tiến hành gây màu nước. 

- Gây màu nước: phân chuồng ủ hoai hòa với nước rồi té đều khắp ao, liều lượng 15 – 20 kg/100m2.  

- Sau 5 - 7 ngày nước trong ao có màu xanh lá chuối non thì tiến hành thả cá giống. 

Chọn và thả giống 

- Tiêu chuẩn cá giống: có kích thước đồng đều, không mất nhớt, không bị trầy xước, bơi lội linh hoạt, màu sắc sáng bóng, không có dấu hiệu bệnh tật. 

- Kích cỡ: 5 - 6 cm/con (1,5 - 2 g/con). 

- Mật độ thả: 30 - 50 con/m2

- Thả giống: Vào lúc sáng sớm hay chiều mát; Khi thả ngâm túi cá giống xuống ao khoảng 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ.

Kích cỡ giống cá chạch đồng. Ảnh: NTN 

Chăm sóc và quản lý 

Cho ăn  

- Loại thức ăn: Cho cá ăn thức ăn công nghiệp, hàm lượng đạm từ 30 - 35%. Tùy vào kích cỡ của cá chọn lựa kích cỡ thức ăn viên cho phù hợp. 

- Lượng thức ăn mỗi lần cho ăn: 5 - 8% trọng lượng thân. 

- Số lần cho ăn: cho ăn ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Cá có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, nên lượng thức ăn cho ăn vào chiều tối chiếm 70 - 80% lượng thức ăn trong ngày.  

- Cho cá ăn theo nguyên tắc 4 định : định vị trí, định số lượng, định chất lượng, định thời gian. 

- Trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn với liều lương 3-5g/kg thức ăn. Định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần cho ăn liên tục từ 3 - 5 ngày. 

- Quan sát khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng sức khỏe của cá và thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. 

- Theo dõi tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. 

Chăm sóc và quản lý 

- Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. 

- Cho cá ăn đầy đủ để cá lớn nhanh và tăng sức đề kháng, cá ít bị bệnh, 

- Định kỳ thay nước trong ao để tránh bị ô nhiểm. Khoảng 5 – 7 ngày thay nước một lần, lượng nước thay từ 30 – 50% lượng nước trong ao.  Tùy vào độ lớn của cá mà thời gian thay nước rút ngắn. 

- Định kỳ tháng/lần bắt vài con lên kiểm tra bệnh tật và tốc độ phát triển.

Định kỳ kiểm tra tốc độ sinh trưởng phát triển của cá, Ảnh: NTN

- Trong mùa mưa đánh vôi 1 tháng 2 lần/tháng, mùa nắng 1 lần/tháng  để phòng bệnh cho cá (khoảng 2kg/100m2). 

- Thường xuyên quan sát hoạt động bơi lội và khả năng bắt mồi để nắm bắt tình hình sức khỏe của cá và có chế độ chăm sóc hợp lý. 

- Bảo vệ cá trong mùa lũ lụt, tránh thất thoát. 

Phòng bệnh 

- Địa điểm nuôi thích hợp, thiết kế công trình nuôi đúng kỹ thuật. Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải sạch hoặc đã được xử lý. 

- Cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh ao thật kỹ sau mỗi vụ nuôi. 

- Chọn cá giống tốt và không mang mầm bệnh. Mật độ thả nuôi hợp lý. 

- Cho cá ăn vừa đủ, tránh tình trạng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. 

- Định kỳ thay nước để cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi. 

- Thường xuyên quan sát ao nuôi, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý thích hợp. 

- Quản lý tốt môi trường ao nuôi giúp cho cá phát triển nhanh và khỏe mạnh. 

Thu hoạch 

- Sau 5 tháng nuôi cá đạt kích cỡ 30 - 40g/con thì tiến hành thu hoạch. 

- Có thể thu một phần trong ao hoặc thu tất cả tùy theo nhu cầu thị trường. 

- Thu toàn bộ cá trong ao bằng cách tháo cạn nước.  

NTN