Nuôi thủy sản bằng lồng bè nhựa HDPE hiệu quả
Thời gian gần đây, việc áp dụng các kỹ thuật nuôi bằng lồng bè không ngừng phát triển đã mang lại những lợi ích to lớn cho ngành thủy sản nước ta.
Lồng bè nhựa HDPE
Thay vì các loại giàn gỗ, phao nhựa truyền thống, dễ bị cuốn trôi khi gặp sóng, gió, bão lớn, người ta bắt đầu thay thế lồng bè nuôi cá sang vật liệu hiện đại và nhiều ưu điểm vượt trội hơn là lồng nhựa HDPE.
Theo các chuyên gia, lồng HDPE hiện nhiều nước Châu Âu, nhất là Na Uy, một trong những quốc gia có ngành nuôi trồng thủy sản dẫn đầu thế giới áp dụng phổ biến hàng chục năm nay. Tại một số nước phát triển ở châu Á hiện lồng nhựa HDPE cũng được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Được biết, cách làm lồng bè truyền thống của người dân biển là khung lồng bè gỗ liên kết với nhau bằng dây hoặc bulong tạo thành hình vuông với hệ thống nâng đỡ là các phao xốp hoặc thùng nhựa. Mặc dù có ưu điểm là rẻ nhưng độ bền vững của phương pháp này không cao, gây ô nhiễm môi trường và hao tốn thời gian, công sức, chi phí cho việc tu sửa thường xuyên, đặc biệt là ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng của người dân.
Khác với nuôi biển quy mô nhỏ bằng lồng gỗ, mô hình lồng nhựa HDPE theo công nghệ Na Uy được cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: khung lồng, túi lưới và neo.
Khung lồng là một vòng phao nổi có chất liệu từ nhựa chịu lực HDPE hình vuông hoặc tròn với độ bền, chắc và không lo biến dạng.
Túi lưới phải dùng lưới dệt không gút tránh làm thương tổn cho thủy sản trong quá trình nuôi, tốt nhất nên chọn túi làm từ chất liệu Polyetylen bao gồm cả dây giềng và chỉ khâu lưới:
- Lưới làm từ vật liệu nói trên có khả năng chống tia cực tím tốt, tuổi thọ cao có thể lên đến 10 năm, đặc biệt có khả năng chống sinh vật bám (lưu ý rằng toàn bộ túi lưới của lồng phải được xem xét, tính toán để phù hợp với lưu tốc dòng chảy, độ sâu và tùy thuộc vào đối tượng nuôi trồng).
- Cuối cùng là hệ thống neo, một khối bê tông nặng gần 4 tấn với dây neo là loại dây PP bằng nhựa có thể chịu được lực căng kéo tốt, chống bào mòn, chống tác hại của dầu mỡ, tốt nhất là nên được làm từ chất liệu Polyetylen để tăng độ bền cho dây.
Tính năng vượt trội
Với chất liệu nhựa siêu bền, toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ tiên tiến nhất của Na Uy có tác dụng cố định, giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập. Còn hệ thống neo có thể tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều.
- Hệ thống lồng với chất liệu HDPE có thể tích mỗi lồng nuôi 1.200 – 2.400m3, được kết nối với nhau và với neo giàn, chịu được bão gió cấp 12.
- Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, có thể hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Đồng thời kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt tránh xung đột với các lợi ích khác (giao thông vận tải, du lịch,..)
- Có đặc tính thân thiện môi trường, do được sản xuất từ nhựa HDPE nên thời gian sử dụng lâu hơn, có thể tái sử dụng, đặc biệt là tốn ít nhân công và dễ sử dụng trong quá trình chuẩn bị lồng nuôi, vệ sinh, thu hoạch.
- Theo thống kê từ một số hộ nuôi cho biết, cá nuôi bằng lồng HDPE sinh trường và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt từ 80 – 90%, cao hơn 15 – 20% so với nuôi lồng truyền thống.
- Ngoài ra, việc lắp đặt ống HDPE làm lồng bè nuôi cá biển luôn kín nước, kín hơi nên độ nổi cao, không sợ bị chìm. Bên cạnh đó là sự đa dạng về kích thước, kiểu dáng (tùy theo đối lượng và số lượng nuôi sẽ phù hợp với mỗi loại), giá thành rẻ, tính kinh tế cao, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân.
Dựa theo các điều kiện thời tiết và tự nhiên tại tất cả các tỉnh thành nước ta thường xuyên xảy ra các cơn bão lớn trong năm, gây thất thoát nhiều cho người dân đặc biệt là các hộ nuôi biển, việc ứng dụng đưa lồng bè bằng nhựa HDPE vào nuôi sẽ là lựa chọn đúng đắn và cần thiết.