TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm 2 giai đoạn kết hợp thu tỉa mang lại hiệu quả cao

Nhờ nuôi tôm 2 giai đoạn nên hiện Công ty CP Nhật Long đạt sản lượng 37 tấn/ha/vụ, trị giá đạt trên 4 tỷ đồng/ha/vụ. Thanh Bình

Tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian chưa lâu và diện tích nuôi không lớn, tuy nhiên nhờ áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn nên mô hình nuôi của Công ty CP Nhật Long (phường Hà Phong, TP Hạ Long) đang cho sản lượng và giá trị cao nhất tỉnh.

Năm 2017, Công ty CP Nhật Long nuôi 2 vụ trên diện tích 3ha, trong đó vụ 1 đạt sản lượng 37 tấn/ha, trị giá đạt trên 4 tỷ đồng/ha; vụ 2 đang trong giai đoạn bắt tỉa, chuẩn bị thu vét để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.


Ngay từ đợt thu tỉa đầu, Công ty CP Nhật Long đã cơ bản bảo toàn được vốn đầu tư.

Với lợi thế địa hình vùng cửa biển, thời gian đầu Công ty CP Nhật Long tận dụng để tổ chức nuôi theo hình thức quảng canh. Hình thức này mặc dù chi phí đầu tư thấp song phụ thuộc vào thời tiết, đồng thời hiệu quả mang lại không cao. Quyết tâm làm chủ công nghệ nuôi tôm, Công ty CP Nhật Long đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Từ năm 2015 đến nay, Công ty áp dụng quy trình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn. Đầu tư ban đầu cho 1ha nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn lên đến 12 tỷ đồng, gấp 2 lần mô hình nuôi tôm công nghiệp thông thường; gấp 12 lần nuôi quảng canh. Tuy nhiên “đắt sắt ra miếng”, sản lượng, giá trị con tôm Công ty đạt được ở mức cao nhất toàn tỉnh, trung bình đạt từ 50 - 70 tấn/ha/năm, cao hơn 2 - 2,5 lần nuôi công nghiệp thông thường; cao hơn gần 100 lần so với nuôi quảng canh.

Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty CP Nhật Long cho biết: “Bí quyết” của nuôi tôm 2 giai đoạn là ươm nuôi riêng tôm giống trong nhà bạt thời gian khoảng 1 - 1,5 tháng; khi tôm lớn, khoẻ mạnh hơn đưa ra môi trường ao nuôi nuôi tiếp trong vòng 1 - 1,5 tháng thì thu hoạch. Quá trình nuôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; sử dụng các thiết bị hiện đại để chăm sóc tôm. Tính ưu việt của quy trình này là giảm được rủi ro, giảm lượng tôm giống hao hụt khi thả, dễ kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt thuận lợi cho việc xử lý chất thải sau vụ nuôi.

Cũng theo anh Long, ở giai đoạn 1, do tôm giống được nuôi trong nhà, có kiểm soát môi trường chặt chẽ, tránh được tác động của thời tiết và các yếu tố bất lợi từ bên ngoài nên người nuôi có thể thả mật độ dày, đến 3.000 con/m2 mà con tôm vẫn khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, hạn chế hội chứng tôm chết sớm thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi. Cũng nhờ con tôm giống đã lớn mới chuyển sang giai đoạn 2 để thả ra môi trường nuôi nên tôm có sức sống tốt, có thể thả nuôi với mật độ từ 250 - 300 con/m2 và tôm lớn rất nhanh, sau 1 - 1,5 tháng là đã đạt tuổi trưởng thành, có thể thu hoạch.

Ở Công ty CP Nhật Long, việc thu hoạch được tiến hành theo phương pháp thu tỉa, trong đó chia 3 đợt thu, đợt 1 khi tôm đạt cỡ 100 con/kg; đợt 2 khi tôm đạt cỡ 50 con/kg, thu đợt 3 là khi kết thúc vụ nuôi, con tôm đạt cỡ đại, 30 con/kg. Chính nhờ việc thu tỉa này nên ngay từ đợt thu đầu Công ty CP Nhật Long đã cơ bản bảo toàn được vốn đầu tư, đồng thời còn tạo độ thông thoáng về diện tích nuôi để kích thích tôm phát triển. Các đợt thu tiếp theo đã có thể tính vào lợi nhuận mang lại.

Hiện nay để nâng cao sức đề kháng cho tôm, Công ty CP Nhật Long còn nghiên cứu sử dụng một số loại thuốc bắc, nam để trộn lẫn với thức ăn dành cho tôm. Theo anh Nguyễn Văn Long, việc này đang mang lại hiệu quả rất rõ rệt, sức sống của con tôm tốt hơn hẳn so với các vụ nuôi trước của Công ty cũng như các mô hình lân cận có cùng điều kiện nuôi.

Thanh Bình Báo Quảng Ninh