TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm bền vững với vấn đề sử dụng thức ăn

Nhiều nghiên cứu đã chú trọng xem xét hàm lượng đạm trong thức ăn tôm thẻ thương phẩm Sáu Nghệ

Một nghiên cứu cho biết, trong nuôi tôm có đến 94% tác động môi trường đến từ nguyên liệu thô chế biến thức ăn. Nên hệ thống nuôi tôm bền vững hướng đến không phát thải ròng (Net Zero) đang tập trung giải quyết vấn đề sử dụng thức ăn, thay đổi những thói quen theo kinh nghiệm và quan niệm không còn phù hợp.

Quan tâm toàn bộ vòng đời sản phẩm

Hệ thống nuôi tôm hiện tại không bền vững bởi làm ra mỗi ký tôm đã phát thải bình quân hơn 10 kg CO2. Trong đó, nguyên liệu thô được sử dụng làm thức ăn là nguyên nhân chính gây ra khí thải, chiếm đến 94% tác động xấu cho môi trường.

Nhiều nghiên cứu cũng cho biết, hệ thống nuôi tôm bền vững có thể đạt được Net Zero khi quan tâm toàn bộ vòng đời (chuỗi giá trị) sản phẩm thức ăn. Cụ thể là, thay đổi thành phần chế biến thức ăn có hàm lượng carbon thấp hơn, giảm ảnh hưởng từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất và nhà cung cấp thức ăn cam kết sản phẩm giảm phát thải.

Phía người nuôi tôm, để giảm tác động lên môi trường cần biết rõ: Nguyên liệu làm thức ăn được sản xuất/trồng trọt ở đâu, ảnh hưởng đến môi trường như thế nào? Các dữ liệu tác động đến môi trường được minh bạch trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, cả cách thức đối phó với giá nguyên liệu thô khi biến động mạnh.

Nuôi tôm đang yêu cầu thay đổi những thói quen theo kinh nghiệm và quan niệm không còn phù hợp

Trong hành trình đến với cam kết Net Zero, hệ thống nuôi tôm của Việt Nam đã có một số doanh nghiệp nghiên cứu và hành động đạt được kết quả đáng khích lệ. Các doanh nghiệp chứng minh hiệu quả của việc quan tâm toàn bộ vòng đời sản phẩm, chứ không phải chỉ một số giai đoạn. Vòng đời sản phẩm thức ăn có 7 giai đoạn:

1. Sản xuất nguyên liệu;

2. Vận chuyển nguyên liệu;

3. Sản xuất thức ăn;

4. Đóng gói;

5. Vận chuyển thức ăn;

6. Sử dụng thức ăn và thời hạn sử dụng;

7. Vận chuyển tôm đến khách hàng cuối cùng.

Nghiên cứu cho hay, khí phát thải từ thực vật chiếm 62% lượng CO2; từ biển chiếm 20% lượng CO2; từ sản xuất chiếm 9% lượng CO2; còn lại từ công thức thức ăn, hoạt động kinh doanh. Từ đó, để giảm khí phát thải cần lựa chọn nhà cung cấp và xuất xứ nguyên liệu, chỉ sử dụng chẳng hạn đậu nành có chứng nhận không phá rừng; giảm nguyên liệu từ biển, và chỉ sử dụng nguyên liệu của thành viên chương trình cải thiện nghề cá.

Việc sản xuất, ưu tiên lựa chọn sản phẩm của năng lượng xanh, giảm nhựa, có chứng nhận ASC. Xem xét công thức thức ăn để ưu tiên sử dụng sản phẩm Optiline formulation, các nguyên liệu mới. Còn từ hoạt động kinh doanh để lựa chọn, trồng rừng ngập mặn và các mô hình SUCCESS, Shrimp Tech Vietnam. 

Tóm lại, quan tâm toàn bộ vòng đời sản phẩm là cần nhiều hơn các dữ liệu sơ cấp của kinh nghiệm và quan niệm cũ không còn phù hợp. Tư duy vòng đời sản phẩm là phương pháp tiếp cận đa tác động nhằm xây dựng hệ thống nuôi tôm bền vững.

Tối ưu hóa chi phí thức ăn

Trong mục tiêu giảm phát thải đã đặt ra vấn đề giảm nguyên liệu từ biển, tăng nguyên liệu thực vật có chứng chỉ. Một câu hỏi đặt ra, vậy có đảm bảo hàm lượng đạm hay không và hàm lượng đạm trong thức ăn cho tôm bao nhiêu là thích hợp? Một số nghiên cứu cho con tôm đã tập trung vào đánh giá mức độ tối đa của từng nguyên liệu khác nhau trong khẩu phần; Xác định khả năng tiêu hóa của từng loại nguyên liệu khác nhau; Xác định mức dinh dưỡng tối ưu của các chất dinh dưỡng thiết yếu.

Những nghiên cứu thức ăn cho tôm từ 2016 đã bắt đầu giảm bột cá, điều chỉnh các chất dinh dưỡng thiết yếu; xem xét năng suất tương đương thức ăn tiêu chuẩn; Thử nghiệm độ ngon miệng của nhiều nguyên liệu thay thế khác nhau. Và đảm bảo chất lượng thức ăn khi loại bỏ bột cá trong công thức.

Từ năm 2019, nghiên cứu hành vi/đặc tính của tôm; Năm 2020 sử dụng thức ăn không bột cá; Năm 2021 sử dụng thức ăn không bột cá và không dầu cá. Đi kèm, nguyên liệu yêu cầu có giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Những nghiên cứu diễn ra trong bối cảnh thiếu hụt nguyên liệu biển, biến động giá nguyên liệu biển càng cho thấy tình hình cấp thiết của vấn đề.

Thức ăn có độ đạm quá cao, có thể tạo ra những điều kiện khó khăn hơn trong ao nuôi tôm. Ảnh minh họa

Các nghiên cứu đã chú trọng xem xét hàm lượng đạm trong thức ăn tôm thẻ thương phẩm; các quốc gia trên thế giới thường đảm bảo hàm lượng đạm từ 30-35%; còn ở Việt Nam cao nhất đến 38%. Vậy hàm lượng dinh dưỡng tối ưu là bao nhiêu? Bởi vì, hàm lượng dinh dưỡng tối ưu được cung cấp trong thức ăn, vật nuôi sẽ hoạt động hiệu quả hơn; đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng tối ưu thì hiệu quả dinh dưỡng cũng được tối đa hóa. Còn ngược lại, thiếu hay thừa đều không có lợi.

Một số nghiên cứu cho biết, không có sự khác biệt nhiều về năng suất nuôi khi thức ăn có hàm lượng đạm trên 30%, nhưng lại có ảnh hưởng tới chất lượng nước. Thức ăn có độ đạm quá cao, có thể tạo ra những điều kiện khó khăn hơn trong ao nuôi tôm. 

Chẳng hạn, nghiên cứu của Skretting Vietnam qua thử nghiệm 4 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trong 8 tuần với con giống có trọng lượng 4g. Từng hồ cho tôm ăn khẩu phần khác nhau: Thức ăn ở hồ đối chứng có hàm lượng đạm 38%, hồ thứ 2 bột cá thấp nhưng hàm lượng đạm vẫn 38%, hồ thứ 3 bột cá thấp với hàm lượng đạm 36%, hồ thứ 4 bột cá rất thấp với hàm lượng đạm 36%.

Kết quả, tỷ lệ sống đều trên 80% cho mọi khẩu phần; Không có sự khác biệt đáng kể về FCR và tốc độ tăng trưởng giữa các nghiệm thức ăn. Tuy nhiên, khi sử dụng thức ăn có tỷ lệ đạm thấp hơn thì chi phi thấp hơn, nhất là giảm bột cá rất thấp cũng giảm được nhiều lượng phát thải. Nghiên cứu bước đầu khẳng định, chỉ cần duy trì nguồn đạm tối ưu sẽ tối ưu hóa năng suất với chi phí sản xuất hiệu quả, đảm bảo hệ thống nuôi bền vững.

Sáu Nghệ