Nuôi tôm có nguy cơ mất an toàn khi giao mùa
Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, người dân các vùng nuôi tôm nước lợ, mặn khi lấy nước cấp vào ao nuôi phải theo quy trình, kỹ thuật, hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Chủ động ứng phó
Theo ông Trần Tăng ở xã Điền Hương (Phong Điền), dù thời tiết những ngày đầu năm khá thích hợp cho tôm phát triển, nhưng lúc này là thời điểm giao mùa, bắt đầu nắng nóng gay gắt gây mất an toàn cho nuôi tôm. Các biện pháp được các hộ nuôi tôm trên cát tích cực triển khai bảo vệ, như thường xuyên vận hành máy sục khí tạo ô xi, theo dõi, kiểm tra nguồn nước, đáy ao để vệ sinh, bổ sung nguồn nước, các yếu tố môi trường thích hợp, tăng cường chế độ dinh dưỡng tạo sức đề kháng cho tôm…
Tuy nhiên, các hộ nuôi vẫn rất lo lắng khi nhiều vụ cũng triển khai các biện pháp trên nhưng tôm vẫn thường xảy ra dịch bệnh, hoặc chậm phát triển, tỷ lệ hao hụt cao dẫn đến mất năng suất, thậm chí mất trắng. Kinh nghiệm từ nhiều vụ trước, vụ nuôi này, ông Tăng cũng như nhiều hộ giảm mật độ nuôi, giảm chi phí đầu tư giống, thức ăn theo khuyến cáo của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ rủi ro và thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Phước ở xã Lộc Điền (Phú Lộc) cũng rất nan giải trước thực trạng nuôi tôm trên đầm phá đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Yếu tố môi trường trên vùng đầm phá liên tục thay đổi, chuyển biến theo hướng xấu trong thời điểm giao mùa, không đảm bảo cho tôm sinh trưởng. Không chỉ nguồn nước ô nhiễm, thời điểm nắng nóng bắt đầu cũng gây bất lợi cho tôm nuôi, dễ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh. Ông Phước cũng như các hộ nuôi tôm đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ tôm nuôi trước nguy cơ mất an toàn do nắng nóng, ô nhiễm môi trường theo kinh nghiệm và hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông cùng với cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương đang tích cực về cơ sở, hướng dẫn các hộ triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho tôm nuôi, tránh tối đa nguy cơ thiệt hại. Các hộ nuôi đảm bảo chế độ cho ăn, theo dõi lượng thức ăn dư thừa để xử lý vệ sinh nguồn nước, đáy ao, tảo, điều hòa nhiệt độ, yếu tố môi trường trong ao, tăng cường ô xi… Trước khi vào vụ, ngành nông nghiệp cũng đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân thả nuôi đúng thời điểm, chọn giống chất lượng, an toàn, kiểm dịch trước khi thả nuôi.
Cần tuần thủ quy định
Thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường thường xuyên thay đổi đột ngột, bất thường ảnh hưởng đến tiến độ thả nuôi, tôm chậm sinh trưởng dễ dẫn đến dịch bệnh. Đây cũng là bài toán khó đối với ngành chức năng và các hộ trong ứng phó, xử lý môi trường cũng như quá trình chăm sóc, bảo vệ tôm nuôi.
Kết quả quan trắc do Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc tổ chức trong tuần qua cho thấy, chất lượng nguồn nước cấp ở điểm Lăng Cô khá tốt, cơ bản thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm chân trắng.
Điểm quan trắc tại vùng đầm phá Lăng Cô cho thấy, trong khi các thông số về nhiệt độ, độ pH, mặn, kiềm, N-NH4, N-NO2, P-PO4, H2S, COD và TSS đều có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép (GHCP), phù hợp cho nuôi trồng thủy sản thì mật độ Vibrio và tảo độc cao hơn ngưỡng GHCP. Đây chính là nguy cơ mất an toàn, dễ dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi. Điều đáng mừng, đến thời điểm này chưa phát hiện mầm bệnh vi khuẩn nguy hiểm gây hoại tử gan tụy cấp trong nguồn nước cấp trong đợt thu mẫu lần này.
Riêng điểm Thuận An, một vài thông số môi trường được quan trắc nằm ngoài giá trị GHCP. Trong đó, độ kiềm trong nước thấp hơn ngưỡng thích hợp cho nuôi tôm nước lợ; nồng độ N-NH4 và N-NO2 trong mẫu nước cấp cao hơn so với giá trị giới hạn quy định. Các thông số khác đều nằm trong GHCP để nuôi trồng thủy sản.
Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ-Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, để tránh nguy cơ mất an toàn, dịch bệnh trên tôm, người dân các vùng nuôi tôm nước lợ, mặn cần tuân thủ, chấp hành đúng quy định, quy trình kỹ thuật theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chức năng khi lấy nước cấp vào ao nuôi.
Nguồn nước tại thời điểm đỉnh triều, khi lấy vào ao lắng, lọc phải qua túi lọc dày với đường kính đảm bảo đúng quy định. Quá trình xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi phải kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường nhằm có cơ chế bổ sung, xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn. Nhất là độ kiềm được xử lý bằng vôi, dolomite, hoặc NaHCO3 cần được xử lý, nâng lên với giá trị phù hợp (60-180 mg/l).
Theo kinh nghiệm của các hộ dân cũng như khuyến cáo của cơ quan chức năng, nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi phải được giữ trong ao lắng 3-5 ngày; đồng thời vận hành quạt khí thường xuyên nhằm loại bỏ các yếu tố môi trường như N-NH4 và N-NO2. Sau đó kiểm tra lại các thông số môi trường quan trọng, cần thiết trước khi cấp vào ao nuôi.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong các tháng chuyển mùa (tháng 4 - 6) khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá rất cao. Hiện nay, các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, nhiệt độ… khá phù hợp cho việc thả nuôi các loại giống thủy sản và đảm bảo khung thời gian nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan trong quá trình sản xuất; cần chú trọng cải tạo ao hồ, xử lý đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi và giống phải qua kiểm dịch đảm bảo an toàn.