Nuôi tôm tập trung để phát triển bền vững
Nuôi tôm tập trung (NTTT) để hình thành các khu nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao là nội dung quan trọng của phương án sắp xếp nuôi trồng thủy sản vùng đông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt mới đây.
Xu hướng tất yếu
Trong điều kiện hạ tầng các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn quá sơ sài, không có kênh cấp, kênh thoát nước riêng biệt, thiếu đồng bộ các yếu tố giao thông, điện, nước, một số cá nhân và tổ chức đã quyết định đầu tư NTTT. Ở xã Bình Hải (Thăng Bình), mô hình nuôi tôm của Công ty CP QNTEK với diện tích gần 7ha, đã cho thấy nhiều ưu việt. Theo ông Trần Bá Cương - Giám đốc kỹ thuật Công ty CP QNTEK, chỉ có NTTT mới có thể xử lý nước tuần hoàn bằng công nghệ tiên tiến, đảm bảo tôm nuôi được sinh trưởng trong môi trường tốt nhất.
Theo đó, nước thải được xử lý triệt để, vô trùng và được dẫn trực tiếp vào ao nuôi tôm. Điều này đã giải quyết được điểm yếu cố hữu của nghề nuôi tôm nước lợ trong thời gian qua là không thể xử lý nước sạch qua ao lắng để tôm nuôi có điều kiện phát triển trong môi trường nước ổn định. Doanh nghiệp này cũng đã ứng dụng công nghệ nuôi tôm sử dụng bọt khí Micro-Nano Oxygen để giữ oxy hòa tan trong nước ≥ 6ppm. Men vi sinh được sử dụng trong quá trình nuôi tôm đã phân hủy triệt để hữu cơ, các chất gây hại khác giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, sinh trưởng nhanh, đem lại năng suất, sản lượng vượt trội với doanh thu hơn 50 tỷ đồng/vụ.
Tôm thẻ chân trắng là động vật thủy sản rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, môi trường nước. Nhằm hạn chế dịch bệnh cho tôm, tránh thất thu, hộ gia đình ông Trần Công Thành đã đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng NTTT ở xã Tam Hòa (Núi Thành). Ở các ao nuôi trong phạm vi 36ha, ông Thành đã đầu tư 6 bể ương tôm giống để nuôi giai đoạn 1 trong vòng 20 ngày đầu. Sau đó, tôm giống sẽ được cho vào ao nuôi để nuôi thương phẩm với mật độ 250 con/m2. Ở mỗi ao nuôi, ông Thành đều bố trí giàn lưới để che nắng, che mưa, đảm bảo môi trường nước ổn định cho tôm phát triển. Mỗi ao nuôi tôm đều có tường bao bằng bê tông xi măng vây quanh, xung quanh bờ và đáy ao được phủ kín bằng ny lon chuyên dụng. Giữa mỗi ao được thiết kế một “rốn” giữ vai trò là cái phễu để xả các chất thải trong ao ra ngoài hệ thống lọc, xử lý nước...
Với thiết kế ao nuôi hiện đại, điều kiện tôm nuôi được chăm sóc tốt, trung bình sau 3 tháng nuôi, ông Thành thu hoạch tôm thương phẩm với năng suất hơn 5 tấn/ao nuôi, thu lãi hàng chục tỷ đồng/vụ nuôi. “Đầu tư tập trung là xu hướng tất yếu, điều kiện cần để nuôi tôm thành công. Điều kiện đủ là nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp để tôm phát triển tốt, thu lợi lớn” - ông Thành nói.
Quy hoạch và hỗ trợ
Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp nuôi trồng thủy sản vùng đông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2030. Trên cơ sở đối chiếu với quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai và quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở NN&PTNT công bố để các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mặt nước cho người dân triển khai NTTT lâu dài, ổn định. Theo đó, ở mỗi vùng NTTT, sẽ chỉnh trang, sắp xếp lại và đầu tư các điều kiện hạ tầng.
“Sở NN&PTNT rà soát, phân loại các dự án ưu tiên đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để phát huy hiệu quả, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực NTTT, hướng đến phát triển bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. Về cơ chế, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích nuôi tôm, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Đó là cơ sở để tỉnh thu hút NTTT từ tư nhân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, NTTT là bước đầu, quan trọng hơn phát triển nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất. Ngân sách tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho các hạng mục hạ tầng ở các vùng NTTT gồm hệ thống thủy lợi đầu mối cấp I với cống, đê bao, kè, kênh cấp, kênh tiêu nước, trạm bơm; đường giao thông; hệ thống cung cấp điện; khu xử lý nước thải. Ngoài ra, vốn ngân sách cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở NTTT áp dụng quy trình VietGAP, cấp chứng chỉ VietGAP và kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm nuôi. Để tạo cú hích cho phát triển NTTT, ngành thủy sản sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước.
“Chúng tôi từng bước đưa sản phẩm NTTT đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, tập trung kiểm tra các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho NTTT, gồm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, các chất cải tạo môi trường, thuốc thú y cũng như xây dựng dữ liệu thống kê và dự báo về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ đáp ứng các yêu cầu của sản xuất” - bà Tâm nói.