Nuôi tôm trong bể nổi mang hiệu quả kinh tế cao
Xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn với hơn 170ha, trong đó có 85ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm trong bể nổi và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Ông Mai Văn Bình ở thôn 3, xã Đồng Trạch là một trong những hộ dân tiên phong xây dựng mô hình nuôi tôm trong bể nổi. Bắt đầu với nghề nuôi tôm từ cách đây hơn 20 năm, tuy nhiên quá trình nuôi theo phương thức truyền thống ở ao đất thường chịu nhiều tác động của thời tiết cũng như môi trường dẫn đến tôm hay bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao và khá bấp bênh.
Sau khi đi tìm hiểu, học tập ở một số tỉnh phía Bắc về cách nuôi tôm trong bể nổi, cuối năm 2019, ông đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống bể nổi với diện tích 500m2.
Ông Bình chia sẻ: “Đến nay, tôi đã nuôi thắng lợi 3 vụ tôm trong bể nổi này. Mỗi vụ, tôi thả nuôi 12 vạn con tôm thẻ chân trắng, sau 3 tháng thả nuôi đến khi thu hoạch tôm đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Với giá bán từ 220.000-250.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi 350-400 triệu đồng mỗi vụ. Nếu so với nuôi tôm theo phương thức truyền thống thì nuôi tôm trong bể nổi mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 3-4 lần”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Trạch có 6 hộ dân triển khai mô hình nuôi tôm trong bể nổi với tổng diện tích hơn 2.500m2. Mỗi hệ thống bể nổi gồm: Bể ươm để ươm gieo con giống trong 20 ngày đầu nhằm giúp tôm thích nghi với môi trường, sau đó tôm sẽ được chuyển xuống bể chính để bắt đầu nuôi. Bể nổi được xây dựng hẳn trên mặt đất với chiều cao từ 1,3m-1,5m, được xây bằng gạch block, phủ bạt bên trong và bên trên có mái che. Ngoài ra, còn có hệ thống quạt oxy đáy, máy bơm, đường ống và hệ thống lọc nước.
Nhờ được thiết kế đồng bộ nên việc nuôi tôm trong bể nổi sẽ giúp người nuôi thuận lợi trong việc chăm sóc và chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nuôi. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, người dân sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp tôm phát triển tốt, nhờ vậy, tôm nuôi trong bể nổi được đánh giá là tôm “sạch” và được thị trường rất ưa chuộng.
Theo các hộ dân đã nuôi tôm trong bể nổi chia sẻ, tôm nuôi trong bể nổi luôn đạt tỷ lệ sống trên 95%. Ông Trương Văn Tú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch cho biết: “Từ những tín hiệu tích cực mà mô hình nuôi tôm trong bể nổi mang lại, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình này. Đồng thời, Hội cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn, đặc biệt từ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng các bể nổi nuôi tôm”.
Những hiệu quả mà mô hình nuôi tôm trong bể nổi mang lại đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở xã Đồng Trạch nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung. Qua đó, giúp người dân có điều kiện được tiếp cận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.