TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm xen lúa tăng thu nhập, thân thiện môi trường

Tôm càng xanh. Minh Mừng

Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp nên người dân đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua áp dụng các mô hình nuôi đa canh, đa con trên cùng đơn vị diện tích.

Mô hình luân canh tôm càng xanh xen lúa đã cho thấy hiệu quả, tạo ra sản phẩm tôm – lúa sạch, an toàn, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân.

Giữa năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre phối hợp Hội ND các xã An Thuận, huyện Thạnh Phú và xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại triển khai mô hình "Nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực xen lúa" với tổng quy mô 7 ha.

Xã An Thuận có 5 hộ dân tham gia mô hình, quy mô 5 ha. Đây là những hộ đảm bảo các điều kiện về đất sản xuất, vốn đối ứng, chịu khó học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, phải tuân thủ quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với địa phương và hộ dân thực hiện tốt các khâu từ chọn hộ đến việc hỗ trợ giống, thức ăn và chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ nuôi.

Theo các hộ nuôi, giống tôm càng xanh được mua tại các trại sản xuất có uy tín, con giống khỏe mạnh và đồng đều. Nông dân ương giống trong ao ương từ 1 đến 2 tháng với mật độ 100 con/m2, sau đó mới chuyển sang nuôi thương phẩm.

Thả nuôi được 60 đến 75 ngày thì tiến hành bẻ càng để tôm sinh trưởng tốt, nâng cao tỷ lệ sống. Mỗi vụ nuôi có thể tiến hành bẻ càng từ 2 đến 3 lần.

Ngoài thức ăn chính là thức ăn công nghiệp, nông dân còn sử dụng thức ăn được chế biến từ các nguyên liệu như: Trùn quế, cá biển, cám, ruốc, ốc bưu vàng, còng…

Cùng với đó, nông dân chú ý đến việc thay nước cho ao tôm thường xuyên, lượng nước thay từ 20 đến 30% nước trong ao nuôi. Trong quá trình cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ao nuôi cho tương đồng.

Các hộ tham gia đã chủ động đầu tư đối ứng, theo dõi, quản lý ao nuôi, áp dụng quy trình kỹ thuật. Kết quả mô hình cho thấy, tỷ lệ tôm sống đạt hơn 60%. Đa số các hộ dân đã thu hoạch xong với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/ha.

Về lúa, mỗi ha thực hiện mô hình, nông dân thu được 7 tấn lúa sạch. Lợi nhuận từ mô hình luân canh tôm càng xanh xen lúa này khoảng 100 triệu đồng đối với mỗi hộ tham gia.

Hộ ông Lê Văn Xia, ngụ ấp An Điền, xã An Thuận tham gia mô hình với quy mô 1 ha. Cũng như các hộ tham gia khác, ông Xia được hỗ trợ 70% chi phí tôm giống và 70% chi phí thức ăn, cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật suốt quá trình tham gia mô hình.

Đến nay, ông Xia đã thu hoạch tôm càng được 4 đợt, trừ đi chi phí cho lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Về phần lúa ông cũng thu được hơn 7 tấn lúa sạch. Số tôm càng còn lại trong ao nuôi, ông nhận định sẽ có thêm 50 triệu đồng

Có thể thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho mô hình này đã giúp cho người dân an tâm vào sản xuất; mở ra hướng canh tác thân thiện với môi trường, hướng đến xây dựng vùng sản xuất sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Hội ND xã An Thuận Phạm Văn Chót cho biết, hiện tại giá và đầu ra của con tôm càng xanh rất ổn định. Khi thực hiện mô hình này, chúng ta tạo ra 2 sản phẩm sạch là tôm sạch và lúa sạch, phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương.


Thu Hoạch tôm càng xanh nuôi xen lúa.

Tới đây, Hội ND xã sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn để tập huấn về kỹ thuật, vận động bà con nhân rộng mô hình. Cùng với đó, đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện các mô hình trình diễn cho bà con nhân rộng mô hình này.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Đây là mô hình luân canh khép kín, có tính hỗ trợ nhau. Mặc khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, qua đó tạo ra sản phẩm tôm sạch, giữ vững thương hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”, hướng đến nền sản xuất hàng hóa sạch thích ứng với biến đổi khí hậu.

Minh Mừng Hội Nông Dân Việt Nam