Nuôi trồng thủy sản mặn lợ theo hướng GAP: Đòn bẩy để phát triển bền vững
Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NNPTNT Nam Định vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ theo hướng GAP”. 200 đại biểu dự diễn đàn, trong đó có hơn 100 nông dân nuôi trồng thủy sản.
Chuyển từ nuôi truyền thống sang VietGAP
Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam không ngừng phát triển, sản phẩm đã được xuất khẩu sang nhiều nước, đặc biệt là mặt hàng tôm.?Việc phát triển nuôi tôm đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, số người nuôi tôm bị phá sản trong từng vụ nuôi cũng tăng qua các năm.
Ông Nguyễn Doãn Lâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định đã nhấn mạnh về những diễn biến phức tạp của ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng của cả nước nói chung và Nam Định nói riêng. Hiện định hướng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản mặn lợ của tỉnh theo hướng VietGAP, phấn đấu đạt được tốc độ phát triển và giá trị sản xuất cao, đưa nuôi trồng thuỷ sản dần trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng. “Để khắc phục khó khăn trước mắt và tạo đòn bẩy để ngành tôm phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ của các cấp, ngành chức năng và hộ nuôi tôm”- ông Lâm nói. Nam Định hiện có 30 trại giống hải sản, diện tích nuôi trồng thủy sản 36.150ha. Trong đó, diện tích nuôi mặn lợ là 14.271ha, nước ngọt 21.879ha. Sản lượng bình quân thu hoạch đạt từ 15 - 30 tấn/ha/vụ, thu lãi 400 triệu đồng/năm.
Ông Đoàn Văn Thuần ở xóm 7, xã Giao Hải (Giao Thủy) nuôi cá với diện tích ao hơn 13ha, mỗi năm thu 40 tấn. Năm 2013, ông quyết định thí điểm mô hình nuôi thủy sản mặn lợ theo hướng VietGAP, khởi điểm ông thả 12 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Ông Thuần chia sẻ: Nuôi cá đầu tư thức ăn rất lớn mà lãi không cao. Vụ trúng còn lãi được vài chục, gặp phải vụ dính dịch thì coi như lỗ. Với con tôm thẻ chân trắng, nuôi sẽ tốn công hơn so với nuôi cá, nhưng đổi lại nó cho lãi gấp 2 - 3 lần. Ban đầu tôi nuôi xen canh khởi điểm 12 vạn con tôm, nếu thuận lợi tôi sẽ chuyển ao cá hiện tại của gia đình sang nuôi tôm quảng canh.
Cần kiến thức, hỗ trợ vốn
Nông dân Nguyễn Văn Dũng (Hải Hậu, Nam Định) - một trong những hộ nuôi tôm ngay từ khi có dự án chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém chất lượng sang nuôi trồng thủy sản mặn lợ- chia sẻ: Mặc dù nuôi tôm đem lại kinh tế cao nhưng cũng rất dễ phá sản nếu như các hộ không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không thực hiện cải tạo ao nuôi, không xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển...
Được tham gia các lớp tập huấn, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, các buổi diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức anh em chúng tôi có thêm kiến thức, chia sẻ những kinh nghiệm với bạn nghề, học tập kỹ thuật từ các chuyên gia về ngành thủy sản. Tới đây gia đình tôi cũng sẽ chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu truyền thống sang phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ theo hướng VietGAP
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản, nhất là các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nên áp dụng các quy định của tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Ông cũng kiến nghị Bộ NNPTNT cần có chính sách hỗ trợ, cho vay vốn, đồng thời có các biện pháp nâng cao kiến thức cho người nuôi, chuẩn hóa quy trình công nghệ áp dụng cho các cơ sở nuôi, nâng cấp cơ sở vật chất các trại nuôi.
Với con tôm thẻ chân trắng, nuôi sẽ tốn công hơn so với nuôi cá, nhưng đổi lại nó cho lãi gấp 2 - 3 lần." Ông Đoàn Văn Thuần