Nuôi trồng thủy sản: Nhiều mô hình kinh tế thiếu bền vững
Năm 2016, nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của thời tiết. Tình hình dịch bệnh, giá tôm thương phẩm, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; ô nhiễm môi trường nước do chất thải công nghiệp... Mặc dù theo dõi sát tình hình, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất nhưng kết quả đạt được trong 10 tháng qua vẫn chưa như mong đợi.
Để hiệu quả của ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, chất lượng nguồn tôm giống cần được quan tâm nhiều hơn.
Tổng diện tích NTTS Cà Mau là 299.819ha; tính đến nay, sản lượng NTTS đạt 234.500 tấn, đạt 70% kế hoạch, giảm 7,8% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi tôm công nghiệp (NTCN) thực tế là: 9.569,91ha, đạt 87% so với chỉ tiêu kế hoạch năm (11.000ha). Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, ông Trần Minh Huyện chia sẻ: Tình hình NTCN của địa phương đạt khá hơn so với cùng kỳ, nhưng người dân NTCN ngoài quy hoạch vẫn còn diễn ra, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý.
Mô hình kinh tế thì nhiều nhưng tính bền vững chưa cao.
Trăn trở về tình hình tôm được mùa mất giá, thực trạng NTCN “treo” đầm nhiều như đã qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Sử Văn Minh kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng tôm giống, cung ứng hóa chất đầy đủ và kịp thời cho người dân.
Có diện tích NTCN lớn nhất tỉnh, huyện Đầm Dơi cũng gặp nhiều khó khăn khi diện tích nuôi giảm hơn so với cùng kỳ; diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh hiện nay 8.000ha; quá trình cải tạo ao đầm chưa tuân thủ nghiêm quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường; giá tôm nguyên liệu biến động, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Kinh tế hợp tác cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2016, chỉ tiêu phấn đấu diện tích tôm - lúa toàn tỉnh là 50.960ha. Do ảnh hưởng của nắng hạn, độ mặn tăng cao, đến khoảng tháng 7 - 8 vẫn còn nhiều nơi khó có thể rửa mặn, xả phèn để canh tác lúa, nên người dân chủ động cải tạo ruộng nuôi để thả tôm giống, diện tích thả nuôi ước khoảng 30.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Cái Nước và TP. Cà Mau. Tuy nhiên, theo nhận định của hầu hết người nuôi thì chỉ đạt hiệu quả ở vụ nuôi đầu tiên, đến vụ nuôi thứ hai thì không hiệu quả.
Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, ông Phan Thanh Phương cho rằng, thời gian qua địa phương đã thành công với nhiều đối tượng nuôi: Tôm công nghiệp, sò huyết, vọp, ốc len…nhưng hầu như tính bền vững thì chưa được khẳng định.
Nuôi hàu lồng tại Hợp tác xã (HTX) Hàu lồng Đất Mũi: Theo báo cáo tháng 10 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, HTX Hàu lồng Đất Mũi có 20 bè nuôi hàu thương phẩm (900 vỉ). Đến nay lượng giống thả được 100 tấn, loại 8 - 15 con/kg. HTX đã thu hoạch được 22 tấn hàu thương phẩm với số tiền 440 triệu đồng (trung bình khoảng 20 triệu đồng/tấn). Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển - ông Lý Hoàng Tiến khẳng định: “Gần 10 năm nay, chỉ có riêng năm 2008 là không đạt, do hàu chết hàng loạt, còn lại các vụ nuôi đều đạt. Nhưng đầu ra rất bấp bênh. Chính vì vậy người nuôi hàu ở huyện Ngọc Hiển bất mãn và chưa toàn tâm toàn ý cho mô hình này”.
Mô hình nuôi sò huyết xen nuôi tôm quảng canh khoảng 2.580ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Năm Căn (1.690ha), Đầm Dơi (740ha) và Cái Nước (150ha). Các huyện Ngọc Hiển, Phú Tân cũng thả nuôi nhiều nhưng huyện chưa thống kê được. Đa phần các mô hình chưa bền vững. Thời gian tới, thiết nghĩ ngành Nông nghiệp phải tính đến yếu tố công nghệ trong các mô hình; cần thiết phải mời cho được chuyên gia để thẩm định và nhân rộng những mô hình kinh tế điểm.
Trong quá trình sản xuất, con giống cũng không kém phần quan trọng khi quyết định chất lượng của các vụ nuôi. Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Nguyễn Thành Huy trăn trở, hiện nay tình hình tôm giống nhập tỉnh diễn biến khá phức tạp; người dân không nên gởi trọn niềm tin vào nhà cung cấp giống, ngành đang thực hiện việc kiểm dịch theo yêu cầu của người dân.
Tới đây, để có ngành Nông nghiệp bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các huyện, thành phố chuẩn bị tốt cho vụ tôm - lúa, tôm - rừng; chăm sóc bảo vệ diện tích lúa - tôm đã xuống giống; quản lý tốt công tác sên vét ao đầm, hạn chế gây ô nhiễm; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y phục vụ nuôi trồng thủy sản; tập trung lo thị trường đầu ra cho các sản phẩm chuẩn bị thu hoạch như tôm càng xanh ở Thới Bình và cá bổi ở Trần Văn Thời; đánh giá các mô hình có hiệu quả để xây dựng kế hoạch nhân rộng trong năm 2017…