TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản và cơ hội đầu tư ở ĐBSCL

Nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Tép Bạc Sáu Nghệ

Ngày 30/10/2023, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cho biết, nuôi trồng thủy sản vùng này áp dụng khoa học công nghệ cao đã khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên mang lại giá trị kinh tế lớn.

Tuy nhiên, cũng chỉ ra quá trình phát triển đang đối diện nhiều thách thức và đó là cơ hội mới cho đầu tư.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến 

Cục Thủy sản cho biết, các công nghệ nuôi tiên tiến trên thế giới đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi trong ĐBSCL:

Hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS): Áp dụng tại một số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ của công ty như CP Việt Nam, Việt - Úc, Hải Thanh... cho kết quả tốt. Công nghệ này có ưu điểm lọc và xử lý nước ao nuôi theo chu kỳ khép kín, ít thay nước nên kiểm soát các yếu tố môi trường và hạn chế dịch bệnh

Công nghệ Biofloc: Áp dụng chủ yếu ở cơ sở nuôi có nguồn lực đầu tư tài chính mạnh và năng lực vận hành quy trình công nghệ tốt. Mô hình semi-biofloc được ứng dụng rộng rãi hơn mô hình biofloc ở các tỉnh ven biển để nuôi tôm nước lợ. Công nghệ này cho hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số loại bệnh trên tôm, giảm ô nhiễm môi trường.

Công nghệ nuôi trong nhà màng: Nuôi siêu thâm canh thường áp dụng công nghệ cao, đầu tư cao, được dự báo mở rộng trong thời gian tới với các doanh nghiệp hoặc hộ nuôi có đủ nguồn lực tài chính, có khả năng quản lý và áp dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.

Công nghệ nuôi tôm trong nhà màng

Công nghệ nuôi nhiều giai đoạn: Nuôi tôm 2 và 3 giai đoạn được ứng dụng rộng rãi tại ĐBSCL, có tiềm năng mở rộng và phù hợp với xu hướng đầu tư phát triển thời gian tới.

Kỹ thuật nuôi ghép, nuôi kết hợp: Nuôi ghép tôm nước lợ - rong biển, bào ngư - rong biển,... hoặc nuôi kết hợp cá - lúa, tôm - lúa,... đã được nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất. Nuôi ghép, nuôi kết hợp hướng hữu cơ, sinh thái,… cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Quy trình công nghệ nuôi sạch: Đã phát triển các quy trình công nghệ nuôi sạch tôm sú, cá tra, rô phi. Ứng dụng kỹ thuật PCR, kỹ thuật chẩn đoán sớm một số bệnh nguy hiểm cũng đã được nghiên cứu ứng dụng, góp phần giảm rủi ro trong nuôi tôm. 

Sản xuất còn manh mún, năng suất thấp 

Vùng ĐBSCL đã hình thành các vùng nuôi trọng điểm tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, nhuyễn thể, thuỷ đặc sản. Chuyển hướng rõ rệt theo quy mô sản xuất công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị.

Tuy nhiên, nền sản xuất còn manh mún, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tỷ lệ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thấp, do đó năng suất bình quân mới đạt khoảng 3,7 tấn/ha, thấp hơn so với năng suất bình quân của cả nước đạt khoảng 4 tấn/ha.

Vùng ĐBSCL đã hình thành các vùng nuôi trọng điểm tôm sú, bên cạnh vẫn còn nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ảnh: Tép Bạc

Cũng theo Cục Thủy sản, cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu và không đồng bộ. Chưa xây dựng được các mô hình liên kết đầu tư như hợp tác công tư, đầu tư mồi,… do đó chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản. Liên kết trong sản xuất theo chuỗi còn rất nhiều hạn chế. 

Những lĩnh vực ưu tiên đầu tư 

Quang cảnh hội nghị

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/8/2021 của Bộ NN&PTNT đã nêu ra những lĩnh vực ưu tiên đầu tư để phát triển. Trong đó, có dự án Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sang nuôi trồng thủy sản, có tổng vốn 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, vốn xã hội hóa và vốn từ các chương trình, dự án đã phê duyệt. Một số nội dung chính là: 

Đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản: Hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi để chủ động cấp nước; nâng cấp đê bao, bờ ao ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Xây dựng hệ thống cống điều tiết nước chủ động ở các vùng tập trung để phục vụ sản xuất, đặc biệt là phục vụ các mô hình nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa.

Đầu tư hạ tầng vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các vùng nuôi đã chuyển đổi nhưng chưa được đầu tư để đảm bảo phát triển bền vững. Ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng ở những vùng nuôi tôm nước lợ, vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang tôm nước lợ.

Đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thuỷ sản: Xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đảm bảo quan trắc kịp thời biến động môi trường, thông tin, cảnh báo cho cơ quan quản lý thuỷ sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong vùng.

Đầu tư hạ tầng sản xuất giống: Đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tại Đồng Tháp, An Giang; vùng sản xuất giống tôm chân trắng tại Bạc Liêu; vùng sản xuất giống tôm sú tại Cà Mau; vùng sản xuất giống phục vụ nuôi biển tại Kiên Giang.

Sáu Nghệ