Nuôi xen ghép tôm - cua - cá cho hiệu quả lớn
Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình vừa triển khai thành công mô hình nuôi thủy sản xen ghép tôm sú, cá nâu và cua ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn).
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình cho hay: “Mô hình nhằm từng bước thay đổi hình thức nuôi, cải thiện môi trường, giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích mặt nước”.
Mô hình được triển khai trên quy mô 7.000 m2 với 2 hộ tham gia (mỗi hộ 3.500 m2). Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và hộ dân thường xuyên theo giỏi chất lượng nước trong ao để tiến hành thay nước và xử lý men vi sinh.
Ông Phạm Văn Thái, một hộ tham gia mô hình cho biết, theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm nên đã thực hiện định kỳ thay nước 2 lần/tháng, kết hợp xử lý men vi sinh KAS với liều lượng 1kg/6.000m3 nước. “Trung bình cứ 30 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm, cá và cua một lần để điều chỉnh”- ông Thái nói.
Theo các nông dân, do nuôi xen ghép nên việc cho thức ăn cũng phải học hỏi. Đối với cá nâu chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá biển có độ đạm 40%. Ngoài ra có bổ sung thêm rong cho cá ăn. Thức ăn được cho vào khung nổi được bố trí ở trong mương. Cá sử dụng thức ăn viên nổi nên việc quản lý thức ăn dễ dàng hơn.
Với tôm sú, cho ăn thức ăn công nghiệp dành cho tôm sú độ đạm ≥ 40%. Hai tháng đầu cho ăn 3 lần/ngày, tháng thứ 3 trở đi cho ăn 2 lần/ngày. Hàng ngày dùng sàng để kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian hai tháng đầu cho cua hoàn toàn thức ăn công nghiệp của tôm. Tháng thứ 3 trở đi bổ sung thêm thức ăn cá tạp tươi với lượng 1,5kg/ngày/hồ.
Nói về kỹ thuật cho ăn, ông Thái cho biết: “Kích cỡ thức ăn cũng được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá, tôm và cua cho phù hợp để tránh dư thừa”.
Nhờ tích cực bám sát chỉ đạo mô hình nên sau 6 tháng nuôi đã mang lại hiệu quả cao. Đối với tôm, tỷ lệ sống ước đạt 60%, dự kiến trọng lượng tôm bình quân 30con/kg, sản lượng 2.000kg;
Đối với cá, tỷ lệ sống đạt 70%, trọng lượng bình quân 150g/con, sản lượng đạt gần 370kg. Cua có tỷ lệ sống khoảng 50%, trọng lượng bình quân 250g/con và sản lượng đạt 437kg.
Dự kiến với giá bán hiện tại đưa lại doanh thu cho mô hình là 600 triệu đồng. “Sau khi trừ đi chi phí sản xuất trực tiếp 400 triệu đồng, mô hình cho thu nhập 200 triệu đồng”- ông Thái bộc bệch.
Thành công của mô hình đã bổ sung đối tượng, hình thức nuôi mới nhằm thay đổi môi trường nuôi, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tiến tới nuôi bền vững. Tạo công ăn, việc làm tăng thu nhập cho người nuôi trên đơn vị diện tích.
Hiện, tại các địa phương tình trạng ao hò nuôi tôm do dịch bệnh bị thua lỗ nên bỏ không có diện tích cũng khá lớn. Theo ông Phạm Văn Thái, mô hình đã khai thác tốt tiềm năng diện tích kênh mương, ao hồ nuôi tôm này.
“Khi có đối tượng nuôi thay thế thì bà con sẽ trở lại tiếp tục đầu tư xen sản xuất. Vụ sau, gia đình tôi cũng đã thuê mặt hồ để mở rộng sản xuất nuôi xen ghép này”- ông Thái nói thêm.
Sau khi tận mắt tham quan và thấy ông Thái thu hoạch, ông Lê Văn Hùng (ở thị xã Ba Đồn) có hai ao nuôi tôm đang bỏ không thấy mừng lắm. Hai năm trước, nuôi tôm bị bệnh chết, thua lỗ kèm với nợ nần nên ông Hùng bỏ hồ không màng đến nữa.
“Nay thấy mô hình nuôi xem ghép có hiệu quả hơn nên tôi về sẽ cải tạo lại hồ và bắt tay nuôi thử. Nếu thuận lợi sẽ nuôi thả luôn cả hai hồ”- ông Hùng phấn chấn nói.
Đánh giá mô hình, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình cho hay, nuôi xen ghép tôm sú, cá nâu và cua thì môi trường ao nuôi được cải thiện ổn định hơn, hạn chế dịch bệnh nên cho người nuôi có thu nhập cao. “Đây cũng là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm tôm an toàn thực phẩm cũng như xây dựng quy trình VietGap”- ông Hải khẳng định.