TIN THỦY SẢN

Ồ ạt nuôi cá sấu theo phong trào

Liệu cá sấu có sa vào "vết xe đổ" của nhiều loại vật nuôi theo phong trào

Có khá nhiều người cứ đổ xô vào nghề nuôi cá sấu trong khi không nắm được những quy định nghiêm ngặt của ngành Kiểm lâm, từ đó bị động về đầu ra, dẫn đến thua lỗ, phá sản.

Chưa có số liệu thống kê và so sánh chính thức nhưng số lượng cá sấu đang được nuôi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có thể lớn nhất nước. Bạc Liêu được xác định là địa phương đứng đầu về phong trào nuôi cá sấu của miền Tây, với số lượng lên trên 320.000 con. Có một thực tế đáng ngại hiện nay là có khá nhiều người cứ đổ xô vào nghề này trong khi không nắm được những quy định nghiêm ngặt của ngành Kiểm lâm, từ đó bị động về đầu ra, dẫn đến thua lỗ, phá sản.

Ông Năm Âu, chủ DNTN Phú Hài, chuyên chăn nuôi cá sấu ở Bãi Thơm, Phú Quốc (Kiên Giang) ngao ngán kể, sau trận dịch năm 2010, hơn 2.500 con cá sấu của ông đều “đi bụi”, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Không đơn giản như người nuôi trong đất liền, ông Âu cho biết, nuôi cá ở đảo chi phí lớn hơn nhiều, nhất là phải mua, trữ nước ngọt. Mỗi khi đến mùa khô, trên đảo thiếu nước ngọt trầm trọng, việc vệ sinh chuồng trại do đó không được đảm bảo, thế là cá bệnh, chết hàng loạt.

Ở vùng bán đảo Cà Mau, vào lúc giá cá sấu thương phẩm được giá (có lúc lên đến 250.000 đồng/kg), đi đâu cũng nghe người ta bàn tính chuyện làm chuồng, chạy tìm cá sấu giống dù giá đắt đỏ, cũng quyết đầu tư nuôi. Thế nhưng do rất mù mờ về kỹ thuật, cá chưa được 10kg/con đã bệnh ngất ngư, rồi chết hàng loạt, khiến nhiều người rơi vào túng quẫn.

Từng có một thống kê trong tổng số cá sấu tiêu thụ hằng năm, có đến 80% xuất khẩu cá sấu nguyên con sang Trung Quốc làm thực phẩm và chỉ 20% cá sấu được giết mổ để lấy da nhưng một nửa số da cũng xuất khẩu dưới dạng da muối (da thô), còn da thuộc và sản phẩm làm từ da thì hoàn toàn tiêu thụ trong nước.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Lê Thị Bích Lệ - chủ trại cá sấu Út Tuyết (An Giang) cho biết nếu người nuôi cá sấu không có nguồn gốc, xuất xứ, không đăng ký với Chi cục Kiểm lâm tại địa phương theo quy định của CITES thì không thể xuất khẩu. Theo bà Lệ, muốn xuất khẩu cá sấu, trước hết chủ trại cá sấu phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, trại nuôi đủ tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 (thế hệ được sinh ra từ cá sấu bố mẹ đánh bắt ở tự nhiên), có hạn ngạch xuất khẩu. Đó là chưa xét về khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong điều kiện cá sấu Việt Nam da thường bị trầy xước, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay, ở nước ta khoảng 7 cơ sở đạt tiêu chuẩn đã được tổ chức CITES cấp giấy phép xuất khẩu cá sấu, trong đó tại TP Hồ Chí Minh có các cơ sở như Tồn Phát, Hoa Cà, Forimex, Suối Tiên. Cá sấu xuất khẩu ra nước ngoài không qua những cơ sở đạt chuẩn CITES đều bị coi là bất hợp pháp…

CAND