TIN THỦY SẢN

Ông Nguyễn Văn Hỏi: Thành công từ nuôi tôm quảng canh cải tiến

Ông Hỏi với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững. Bài và ảnh: Quốc Hiệp

Nuôi tôm quảng canh cải tiến là mô hình có tính bền vững, vừa đảm bảo được năng suất khá vừa bảo vệ tốt môi trường do chủ yếu sử dụng vi sinh, hạn chế hoá chất trong sản xuất, cho ra chất lượng sản phẩm an toàn. Chính vì thế, mô hình này hiện nay đang được nhiều bà con nông dân trong huyện Phú Tân thực hiện.

Trong khi nhiều người rầm rộ nuôi tôm công nghiệp, ông Nguyễn Văn Hỏi, hội viên Hội Cựu chiến binh ấp Ðất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân vẫn duy trì thực hiện có hiệu quả loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến nhiều năm nay.

Diện tích đất sản xuất gần 10.000 mét vuông là điều kiện lý tưởng để thực hiện loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Trên phần đất này, ông Hỏi gia cố bờ bao chắc chắn và nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 vụ trong năm. Qua tìm tòi sách báo, thông tin đại chúng cũng như tiếp thu kiến thức từ các lớp chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, ông Hỏi cố gắng áp dụng đúng quy trình hướng dẫn nuôi tôm quảng canh cải tiến. Trong đó, chú trọng sử dụng vi sinh và hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất trong sản xuất. Mật độ thả nuôi gần 8 con/mét vuông, có bổ sung thức ăn cho tôm và không sử dụng quạt nước.

Ðiểm khác đối với nhiều hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến là ông Hỏi thả tôm theo hình thức gối vụ, 2 tháng thả 1 lần và cho ăn, thu hoạch liên tục. Tuy nhiên, vẫn phân biệt rạch ròi 2 vụ trong năm, giữa 2 vụ ông đều có phơi đất, cải tạo ao đầm. Với hình thức nuôi này, hằng năm, ông Hỏi có thu nhập, sau khi trừ chi phí, còn bình quân gần 90 triệu đồng/ha.

Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đang gặp khó khăn do chi phí đầu tư vào như: điện, cải tạo ao đầm, thức ăn, hoá chất... tăng cao, nhưng giá tôm sụt giảm, người nuôi không có lời. Vì vậy, nhiều nông dân chọn loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo có lời. Ðồng thời, nuôi tôm quảng canh cải tiến sẽ ít rủi ro, giảm thiểu tác hại đến môi trường, mang tính bền vững hơn. Trong khi nuôi tôm công nghiệp, tính rủi ro lại cao hơn, ô nhiễm môi trường hơn. Ðến nay, toàn huyện Phú Tân có hơn 13.000 hộ thực hiện loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, với diện tích hơn 16.000 m2, năng suất bình quân mỗi héc-ta khoảng 600 kg/vụ. Nuôi tôm công nghiệp gặp khó, nhiều người trở lại nuôi tôm quảng canh cải tiến, vì thế, diện tích này tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2015.

Ngoài nuôi tôm quảng canh cải tiến, gia đình ông Nguyễn Văn Hỏi còn tận dụng đất trống trồng rau màu, cây ăn trái và sạ cấy lúa tăng thu nhập. Tận dụng diện tích đất bờ vuông hơn 1.000 mét vuông, gia đình ông trồng nhiều loại rau màu như: bầu, bí, đậu đũa ... và bắp, thu nhập tăng thêm mỗi vụ hơn 4 triệu đồng

Bài và ảnh: Quốc Hiệp Báo Cà Mau, 03/09/2015