Phạm Duy Phượng - kỹ sư “ru ngủ cá ngừ”
Sau khi chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương, được đưa vào áp dụng rộng rãi trên các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên, kỹ sư Phạm Duy Phượng cùng nhóm tác giả thuộc Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô hình chuyển đổi năng lượng sóng biển thành điện năng.
Sáng kiến “ru ngủ cá ngừ”
Kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Khoa Điện - Điện tử cùng TS Bùi Ngọc Dịnh, Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế thuộc Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, đã chế tạo và thử nghiệm thành công thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương, được áp dụng rộng rãi trên các tàu đánh bắt ở Phú Yên từ năm 2014 đến nay. Thiết bị này đã giúp ngư dân giảm bớt công lao động, bảo đảm an toàn cho các thuyền viên; chất lượng cá ngừ đại dương sau khi câu cũng được cải thiện rất nhiều so với trước.
Nói về sáng kiến này, kỹ sư Phạm Duy Phượng cho biết: Năm 2014, tôi được ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải (Khu công nghiệp Hòa Hiệp), mời đi tham quan thiết bị và công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua tìm hiểu, tôi thấy bộ thiết bị gồm máy thu câu MSW-1DR 130 và máy tạo xung Tuna Shocker do Nhật Bản sản xuất khá hiện đại, hiệu quả cao nhưng máy này thao tác sử dụng khá phức tạp, ít phù hợp với mặt bằng trình độ ngư dân và điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị trên tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân. Do vậy, tôi đã trăn trở tìm ý tưởng và bàn với TS Bùi Ngọc Dịnh tiến hành nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công bộ thiết bị gây tê đánh bắt cá ngừ đại dương.
Bộ thiết bị gồm bộ biến đổi điện từ 24V-DC thành 100V-AC, bộ tạo xung, hộp cung ứng điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và thiết bị tiếp cận cá. Khi cá mắc câu được kéo lên gần thuyền khoảng 25 - 35m, vòng xung điện được đưa xuống theo dây câu và khi vòng xung điện chạm vào mỏm đầu cá, ngư dân lập tức bấm nút công tắc điện, giữ trong khoảng 3 - 5 giây đến lúc cá bị ngất thì ngắt nguồn điện. Kết quả, cá được “ru ngủ” ngay dưới nước và được bắt lên rất nhẹ nhàng. Sản phẩm này góp phần làm tăng năng suất đánh bắt, giảm thiểu số lượng cá bị thất thoát sau khi mắc câu, giảm được thời gian của một chuyến đi khơi...
“Đến nay, tôi đã cung cấp cho ngư dân trên 30 bộ thiết bị, trong đó có 8 bộ là cho mượn để bà con đi đánh bắt. Giá một bộ thiết bị là 25 triệu đồng, trong khi bộ kích điện tương tự của Nhật Bản có giá hơn 85 triệu đồng. Giải pháp “Nghiên cứu chế tạo thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương” đã đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VI năm 2014 - 2015. Hiện nay, tôi đang làm thủ tục đăng ký bản quyền cho sáng chế này”, kỹ sư Phượng nói.
Thiết bị gây tê hỗ trợ đánh bắt cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên áp dụng rộng rãi - Ảnh: ANH KIỆT
Biến sóng biển thành điện năng
Theo TS Bùi Ngọc Dịnh, trong những năm gần đây, do kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam tăng cao. Trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện… đã được khai thác gần hết tiềm năng thì năng lượng sóng biển lại rất dồi dào và không gây ô nhiễm môi trường. Đây là một nguồn năng lượng sạch cần hướng đến.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2015, kỹ sư Phạm Duy Phượng cùng các đồng nghiệp đang công tác tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đã bắt tay nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô hình hệ thống chuyển đổi năng lượng sóng biển thành điện năng. Trong đó, kỹ sư Phạm Duy Phượng phụ trách thiết kế chi tiết và gia công phần điện, gồm chế tạo máy phát tốc độ thấp (350 vòng/phút), mạch tích trữ điện năng và sản xuất trực tiếp, chuyển đổi DC-AC... Nhóm đã nghiên cứu lực đẩy và hút trên bề mặt sóng và lực từ dòng chảy vào - ra trong lòng biển, từ đó chuyển đổi năng lượng của sóng biển thành cơ năng quay máy phát điện công suất 500W~1.000W-220V với 4 ngõ năng lượng vào, có khả năng hoạt động liên tục trừ mùa bão. Đề tài này đã được thực nghiệm sơ bộ thành công.
Theo kỹ sư Phượng, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình chuyển đổi năng lượng sóng biển thành điện năng để giảng dạy trong nhà trường; đồng thời đăng ký với Bộ Công thương để thẩm định và triển khai ứng dụng đề tài khoa học này, nhằm đưa nguồn năng lượng sóng biển vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các vùng ven biển, hải đảo.