Phát triển 3 sản phẩm quốc gia ở ĐBSCL
Phi-lê cá tra cao cấp, tôm sú sinh thái nuôi trong rừng ngập mặn và tôm thẻ chân trắng hữu cơ đang được cơ quan quản lý ngành thủy hải sản xác định là ba sản phẩm quốc gia được phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại buổi họp báo diễn ra hôm 10-8 để giới thiệu về triển lãm quốc tế ngành thủy sản Việt Nam, ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cá da trơn và tôm nước lợ đã được xác định nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia. Hai nhóm sản phẩm này được tập trung phát triển tại khu vực ĐBSCL nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp từ lúa gạo, cây ăn trái sang thủy sản.
Với cá da trơn, Tổng cục Thủy sản đã có đề án với việc tập trung phát triển sản phẩm chính là phi-lê cá tra cao cấp. Cơ quan quản lý đã hình dung ra cách làm và đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện.
Trong khi đó, với tôm nước lợ, ông Hải cho biết, Tổng cục thủy sản đã giao cho Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế xây dựng đề án phát triển. Ở thời điểm hiện tại, đơn vị này đã định hướng hai sản phẩm chính của tôm nước lợ cần phát triển là tôm sú sinh thái nuôi trong rừng ngập mặn và tôm thẻ chân trắng nuôi hữu cơ. Đây là các sản phẩm được đánh giá sẽ có giá trị cao, có thị trường rộng lớn.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, việc phát triển những sản phẩm này gặp không ít thách thức. Trong đó, dễ nhận thấy là hạ tầng chưa đồng bộ dù đã được cải thiện trong thời gian qua; biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh ngày càng khó lường. Quan trọng không kém là các rào cản kỹ thuật và cạnh tranh quốc tế…
Trao đổi riêng với TBKTSG Online bên lề buổi họp báo, ông Hải cho biết, đề án về tôm nước lợ sẽ được trình cơ quan cấp trên trong tháng 8 này. Quan điểm của cơ quan xây dựng đề án đó là nhà nước sẽ không can thiệp quá nhiều mà chỉ ở vai trò ban hành chính sách, cơ chế để phát triển hài hòa. Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế cũng sẽ tập hợp đầy đủ thông tin, từ tiềm năng hiện có, nhu cầu thị trường… để có một đề án khả thi.
Vậy tại sao lại là tôm sú sinh thái nuôi trong rừng ngập mặn và tôm thẻ chân trắng nuôi hữu cơ? Theo giải thích của ông Hải là để tận dụng nền tảng đã có sẵn. Khu vực ĐBSCL có sẵn tài nguyên là rừng ngập mặn, nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia sản xuất, nhu cầu thị trường với các sản phẩm tôm luôn có.
Nhưng vấn đề là phải cải thiện năng suất và liên kết lại. Trong 600.000 hecta rừng ngập mặn có thể nuôi tôm sú sinh thái ở ĐBSCL không phải khu vực nào cũng đủ chất lượng. Do vậy, phải cải thiện rừng để đảm bảo rừng sạch, cho tôm tăng trưởng tốt, đạt chất lượng cao và ổn định, từ màu vỏ đến kích cỡ.
“Loại tôm sú cỡ 70 đến 80gram/con hiện có giá xuất khẩu 30 đô la Mỹ/kg. Phát triển tôm sú sinh thái nuôi trong rừng ngập mặn là hoàn toàn khả thi ở khu vực này. Nguồn lực đã có nhưng cần phải liên kết các khâu từ giống, nuôi trồng đến phát triển thị trường thế nào”, ông Hải nói.
Còn với tôm thẻ chân trắng nuôi hữu cơ, ông Hải cho biết, vừa có ba giải pháp nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, không hóa chất… được công nhận tiến bộ kỹ thuật. Vì vậy, cũng hoàn toàn khả thi khi phát triển sản phẩm này.
Câu chuyện của cơ quan quản lý là tạo cơ chế để mọi người kết nối được với nhau, xác lập hệ giá trị để giá bán tốt hơn, thu hút người nuôi trồng từ lợi ích kinh tế và loại bỏ nhưng thành phần làm ăn không đàng hoàng.
Cũng theo ông Hải, khi thực hiện đề án sản phẩm quốc gia thì phần không thể thiếu là hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.