TIN THỦY SẢN

Phát triển hệ thống siêu thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc ứng dụng quy trình nuôi tôm siêu thâm canh góp phần hướng tới chứng nhận sản phẩm sạch, nâng cao giá trị ngành tôm. Ảnh: Tép Bạc Minh Minh

Ngành nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Trong đó, tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là đối tượng nuôi quan trọng với sản lượng không ngừng tăng qua các năm.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi đang gặp rất nhiều trở ngại như nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh luôn tiềm ẩn, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt làm nhiệt độ tăng cao, lượng mưa không theo quy luật, xâm nhập mặn và hạn hán ngày càng tăng làm tôm nuôi chết hàng loạt trong những năm gần đây ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, việc nghiên cứu sử dụng các tác nhân sinh học là xu hướng tích cực góp phần ổn định môi trường và hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi. 

Nuôi các đối tượng thủy sản trong hệ thống RAS có rất nhiều lợi ích như các yếu tố môi trường ổn định ít bị biến động, hạn chế được dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên sản phẩm nuôi đạt tiêu chuẩn an  toàn vệ sinh thực phẩm.  

Ngoài ra,việc kết hợp đa loài trong hệ thống nuôi cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng nước, rong biển sẽ hấp thu các chất thải đạm từ nước tôm nuôi và đồng thời tôm cũng sẽ sử dụng rong biển để làm thức ăn.  

Nghiên cứu của Giảng viên trường đại học Cần Thơ cho thấy những thành công trong việc nghiên cứu phát triển hệ thống nuôi siêu thâm canh  tôm thẻ chân trắng trong hệ thống tuần hoàn kết nuôi hợp đa loài, thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được bố trí với 3 hệ thống nuôi có độ mặn khác nhau bao gồm (i) 5%,(ii) 15% và (iii) 25%. Mỗi hệ thống nuôi gồm 6 bể composit (2m3/bể), trong đó có 3 bể nuôi tôm, 1 bể cá rô phi, 1 bể rong câu và 1 bể chứa giá thể nhựa chứa 30L giá thể, diện tích bề mặt của giá thể là 750 m2/m3 giá thể.


Sơ đồ hệ thống tuần hoàn. Ảnh: Tép Bạc

Chất lượng môi trường nước trong hệ thống nuôi ứng dụng ở quy mô thương mại (nitrite, nitrate và TAN, PO43) và độ kiềm nằm trong giới hạn cho sự phát triển của tôm nuôi. Kết quả này đã khẳng định được vai trò hệ thống lọc tuần hoàn kết hợp đa loài trong việc duy trì được chất lượng nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. 

Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài với độ mặn từ 15 –25%, cho kết quả tốt nhất về tỷ lệ sống (75,59 – 91,45%) và sinh khối (3,45 – 3,87 kg/m3).

Ứng dụng hệ thống tuần hoàn kết  hợp đa loài trong nuôi tôm thẻ chân siêu thâm canh, sử dụng lượng giá thể trong hệ thống nuôi (6m3 bể nuôi) dao động từ 30 – 60 L/ hệ thống (tương đương 3,75 – 7,5 m3 diện tích bề mặt giá thể/m3 nước nuôi) là phù hợp. Tỷ lệ sống của tôm sau 84 ngày nuôi đạt 82,33 – 83,29%; sinh khối đạt từ 3,77 – 3,85 kg/m3; hệ số thức ăn viên từ 1,11 – 1,12 và lượng bí sử dụng làm thức ăn cho 1kg tôm thương phẩm 0,30 – 0,31 kg. 

Nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài với mật độ tôm nuôi 200 – 300 con/m3 cho kết quả tốt nhất, tôm đạt khối lượng trung bình sau 70 ngày nuôi là 20,35 - 20,47 g/con; tốc độ tăng trưởng về khối lượng nhanh (5,51 – 5,52 %/ngày), tỷ lệ sống đạt 72,22 – 83,08%, sinh khối từ 3,38 – 4,44 kg/m3.

Ứng dụng nuôi tại Khoa Thủy sản với quy mô 40m3 với 3 hệ thống nuôi (5 đợt nuôi/hệ thống), sau 84 ngày nuôi,tỷ lệ sống từ 96,0 –97,5%; khối lượng tôm 16,68 – 18,20 g/con; sinh khối đạt 4,42 – 4,48 kg/m3 và lượng thức ăn viên sử dụng cho 1 kg tôm thương phẩm từ 1,10 – 1,19 và lượng bí sử dụng bổ sung tương ứng 0,30 – 0,32 kg.

Ứng dụng nuôi tại Trại thực nghiệm Vĩnh Châu với quy mô 500 m3/ao, với 2 hệ thống gồm 6 ao nuôi (nuôi 5 vụ/hệ thống), sau 84 ngày nuôi khối lượng tôm từ 18,18 – 22,73 g/con; tỷ lệ sống đạt 74,9 – 93,7%, sinh khối đạt 2,82 – 4,10 kg/m3 và hệ số thức ăn dao động từ 1,09 – 1,21. 

Việc ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài góp phần hướng tới chứng nhận sản phẩm sạch, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành hàng tôm trên thị trường trong và ngoài nước; sự thành công của dự án sẽ tạo ra mô hình nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng chu kỳ sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích nuôi. 

Minh Minh