Phát triển tổ liên kết hướng đi mới cho thủy sản Nho Quan
Những năm gần đây, tại một số địa phương của huyện Nho Quan đã tạo điều kiện cho các nhóm hộ liên kết thực hiện mô hình nuôi thả cá với quy mô lớn, mang lại hiệu quả thiết thực và đã mở ra hướng đi mới trong nghề nuôi cá nước ngọt.
Nhờ tham gia vào mô hình tổ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản đã yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Năm 2016, gia đình ông Trần Văn Hùng ở thôn Yên Sơn, được xã Phú Lộc, huyện Nho Quan tạo điều kiện cho chuyển đổi và đấu thầu diện tích 4ha ruộng trũng đầm lầy cấy lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình nuôi thả cá và trồng cây ăn quả.
Ông Hùng chia sẻ: "Ban đầu do nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng con giống không đảm bảo, cá thường xuyên bị dịch bệnh. Gia đình lại chưa biết nhiều đến các phương pháp phòng bệnh cho cá. Chỉ đến khi được trao đổi kỹ thuật trong phòng và trị bệnh cho cá với các thành viên trong tổ hợp tác thanh niên nuôi trồng thủy sản xã; được kỹ sư Trung tâm giống thủy sản nước ngọt tỉnh hướng dẫn kỹ thuật trong vấn đề xử lý ao, chăm sóc cá… Đến nay gia đình tôi đã áp dụng bước đầu thành công và cho hiệu quả gấp 5 lần so với cấy lúa và không phải lo về đầu ra cho sản phẩm"
Đến nay, huyện Nho Quan đã chuyển đổi được hơn 250 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đưa tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn huyện lên trên 3.000 ha.
Để phát triển nuôi thả thủy sản mang lại hiệu quả, huyện chỉ đạo các địa phương ngoài việc triển khai hoàn thiện các công trình thủy lợi, kênh mương tưới tiêu, còn tạo điều kiện cho các nhóm hộ, tổ hợp tác thực hiện liên kết nuôi thả cá với phương châm đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau về vốn, con giống và kỹ thuật chăm sóc khắc phục tình trạng nuôi thả nhỏ lẻ, hiệu quả không cao.
Ông Phạm Quyết Chiến ở thôn Liêu Thượng, xã Đồng Phong mỗi năm thu 500-600 triệu đồng từ nuôi thả cá cho biết: Việc thành lập tổ liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực đó là các thành viên thống nhất trước khi thả cá, thu hoạch hay quyết định số lượng mua cá giống đều có sự bàn bạc giữa các thành viên. Với cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2-3 lần so với cấy lúa, đầu ra ổn định khắc phục tình trạng thương lái ép giá.
Việc thành lập nhóm, tổ liên kết nuôi thả thủy sản ở các địa phương trên địa bàn huyện Nho Quan đang là một trong những hướng đi mới, vừa đem lại hiệu quả cao, vừa giúp các hộ dân liên kết gắn bó giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu ngay tại quê hương.