Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Về thủy sản: Gồm cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung; giống thủy sản; hệ thống cảnh báo, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản; dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; bảo quản, chế biến, ATTP...
Công bố 9 lĩnh vực Nhà nước quản lí đầu tư trong SXNN
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án 899). Theo đó, đã chính thức công bố những mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp cụ thể cho việc phát triển ngành nông nghiệp nước ta trong giai đoạn tới.
Chuyển số lượng sang giá trị và lợi nhuận
Quá trình tái cơ cấu, quan điểm của Chính phủ chỉ rõ: Phải chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả SX bằng giá trị và lợi nhuận. Việc tái cơ cấu, bên cạnh mục tiêu phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững được xem là một trong những mục tiêu chính.
Về chủ thể của quá trình tái cơ cấu, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao KH-CN; phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ SX và đời sống; cung cấp thông tin, dịch vụ. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu bằng việc đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Theo đó, nông dân và DN giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình SX, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả SX kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn...
Định hướng chung, việc tái cơ cấu sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, KCN công nghệ cao... Đi đôi với việc chú trọng phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới (như cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt điều, hải sản, rau quả, đồ gỗ...), sẽ tăng cường kết nối giữa SX với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh trung bình như sản phẩm chăn nuôi, đường mía..., sẽ duy trì quy mô và phương thức SX đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng.
Trên cơ sở những quan điểm và định hướng cơ bản đã nêu, Đề án của Chính phủ đã đề ra những mục tiêu cụ thể gồm: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3,0%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5-4,0%/năm trong giai đoạn 2016-2020; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Song song với mục tiêu về KT-XH, vấn đề bảo vệ môi trường gắn với SX nông nghiệp bền vững sẽ được đặc biệt chú trọng. Với chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia, mục tiêu và định hướng chính của Đề án là tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực tới môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42-43% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020...; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề; bảo tồn đa dạng sinh học...
Đẩy mạnh đầu tư tư nhân
Để thực hiện những định hướng và mục tiêu của Đề án, Chính phủ đã phê duyệt một loạt các giải pháp căn cơ nhằm điều chỉnh lại công tác quy hoạch, thể chế, chính sách, đặc biệt là các giải pháp chuyển hướng đầu tư cho SX nông nghiệp. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng èo uột trong đầu tư cho nông nghiệp, tạo nên môi trường đầu tư sôi động và mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực này, đó là chủ trương khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân.
Theo đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện; tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân...
Về quản lí đầu tư trong SX nông nghiệp, Đề án nêu rõ 9 lĩnh vực mà Nhà nước sẽ nắm giữ trong giai đoạn tới bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại và hợp tác quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ công; hỗ trợ cơ sở hạ tầng cơ bản; quản lý đập và công trình thủy lợi đầu mối và kênh chính; nghiên cứu khoa học nông nghiệp; quản lý thị trường đảm bảo cạnh tranh công bằng; cung cấp các dịch vụ kiểm dịch, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng các quy định, tiêu chuẩn quản lý quốc gia dựa trên căn cứ khoa học; đảm bảo cung cấp với giá cả ổn định các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân.
Đối với đầu tư công, Đề án của Chính phủ đã chỉ ra một số giải pháp thay đổi then chốt nhằm tăng hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực SX nông nghiệp như: Nâng cao chất lượng quá trình lựa chọn dự án nhằm chấm dứt tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà khả năng thu hồi vốn không cao hoặc không thể huy động đầu tư tư nhân; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý chi tiêu công cho chính quyền địa phương và huy động các nguồn lực địa phương cho các dự án quy mô nhỏ được thực hiện tại địa phương; Bộ NN-PTNT chỉ chịu trách nhiệm quản lý các dự án quy mô lớn, dự án cấp vùng, liên vùng, dự án quốc gia và các dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư công
- Về thủy sản: Gồm cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung; giống thủy sản; hệ thống cảnh báo, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản; dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; bảo quản, chế biến, ATTP...
- Về nông nghiệp: Các chương trình, dự án giống cây - con năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu; dự án giám sát, phòng ngừa và kiểm soát sâu bệnh, dịch bệnh; đầu tư bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch và VSATTP.
- Về lâm nghiệp: Gồm các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng kinh tế; cải thiện năng lực phòng cháy chữa cháy rừng; các mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng và phát triển dịch vụ môi trường rừng.
- Về thủy lợi: Gồm công trình thủy lợi theo hướng đa chức năng và công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung; công trình thủy lợi đầu mối; hệ thống đê điều, dự án an toàn hồ chứa; các hồ chứa ở khu vực hạn hán; dự án thủy lợi nhỏ kết hợp với thủy điện ở khu vực miền núi; dự án tiết kiệm nước...
- Về KH-CN, nhân lực và thị trường: Gồm các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực, hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - SX công nghệ cao; cơ sở hạ tầng và nhân lực cho hệ thống thông tin và dự báo thị trường; tiếp thị, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ.