Phi lý lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc
Đây là hành động tiếp theo của phía Trung Quốc thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Ngay sau công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc nước này sẽ thi hành lệnh cấm đánh bắt cá, có hiệu lực từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2013, với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối. Ngày 16/5, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam.
Trung Quốc thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông
PV: Phía sau động thái cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc là gì, thưa ông?
Ông Trần Cao Mưu: Đây là hành động tiếp theo của phía Trung Quốc thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông. Theo đó, từ ngày 6/5/2013, Trung Quốc cho một đoàn tàu 32 chiếc, gồm những tàu hậu cần dịch vụ 4.000 tấn, tàu 1.500 tấn và một số tàu bảo hộ triển khai đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng với đó, họ triển khai một số tàu khác nữa xuống vùng chủ quyền Biển Đông của Việt Nam ở phía miền Trung để khai thác. Đây là hành động gây cản trở cho ngư dân Việt Nam trong quá trình khai thác cá trong vùng biển chủ quyền của mình.
Đúng 12h trưa ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2013, phía Trung Quốc lại thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá. Việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên vùng biển của họ, thì đấy là chuyện của họ. Nhưng phạm vi cấm đánh bắt lại bao gồm vùng biển của Việt Nam, đặc biệt kéo dài đến Vĩ độ 6 độ 01 phút Bắc, 108 độ 4 phút Đông, bao gồm đáy của “đường lưỡi bò” - mà Trung Quốc đã vẽ và lâu nay chúng ta đang phản đối. Như vậy, các hành động liên tục của Trung Quốc thời gian qua là có mưu đồ nhất định, đó là: cứ xuống, cứ đánh, cứ khai thác, cứ cấm và lâu rồi không ai phản ứng nữa thì coi như là chủ quyền của mình.
Như vậy, Trung Quốc có mưu đồ rất thâm độc là muốn độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Đây là hành động cực kỳ nham hiểm, mà chúng ta cần có tiếng nói thực sự mạnh mẽ, quyết liệt và ngăn chặn hành động ngang trái, thô bạo và có hệ thống này của phía Trung Quốc.
Chúng ta thiện chí nhưng phải kiên quyết
PV: Ông có thể nói rõ hơn phản ứng của Hội Nghề cá Việt Nam về việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông?
Ông Trần Cao Mưu: Hội Nghề cá Việt Nam đã có những văn bản gửi Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, góp tiếng nói ngăn chặn ngay những hành động phi pháp của phía Trung Quốc. Hội cũng đã cùng các cơ quan truyền thông lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng, tiếng nói của Hội cộng với tiếng nói của tất cả hệ thống chính trị để khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam rất yêu hòa bình, rất thiện chí, nhưng cũng hiểu rất đầy đủ, rõ ràng tâm địa của phía Trung Quốc.
Từ trước đến nay, phía Trung Quốc luôn nói rằng nên giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng, hòa bình và hữu nghị trong các nước ASEAN. Đối với Việt Nam, bao giờ phía Trung Quốc cũng nói đến mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác, cùng tồn tại, không có hành động gì về mặt quân sự… nhưng thực chất không phải như vậy mà phía Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo”.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần phải tuyên truyền, thông tin để khẳng định với nhân dân Trung Quốc, rằng Việt Nam rất thiện chí và để nhân dân Trung Quốc không hiểu nhầm nhân dân Việt Nam. Thực ra Trung Quốc luôn tuyên truyền cho nhân dân họ, rằng Việt Nam đang độc chiếm, xâm chiếm, khai thác ở vùng biển của Trung Quốc. Điều này rất nguy hiểm bởi qua đó, nhân dân Trung Quốc hiểu không rõ, không đầy đủ và không đúng với thiện chí của nhân dân Việt Nam.
Do đó, chúng ta cũng phải tuyên truyền và thông báo rõ để nhân dân Trung Quốc hiểu rõ về thiện chí của Việt Nam và đặc biệt với cả nhân dân thế giới. Lâu nay phía Trung Quốc vẫn nói là hãy giải quyết trong nội bộ, không nên đưa rộng rãi thông tin ra thế giới và cũng không kiện lên tòa án quốc tế. Đấy cũng là một mưu đồ muốn ém thông tin của Trung Quốc. Vì vậy, nếu chúng ta không tích cực tuyên truyền, thông tin thì cả nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc hiểu sai nhân dân Việt Nam.
Đất nước chúng ta rất thiện chí, rất mềm dẻo trong đấu tranh nhưng cũng phải có thái độ kiên quyết. Đặc biệt, nhân dân Việt Nam cần được tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về ý đồ của Trung Quốc; để từ đó nhân dân Việt Nam có thái độ, hành xử đúng hơn. Chúng ta bảo vệ tình đoàn kết giữa hai dân tộc, nhưng cũng phải thể hiện cho Trung Quốc biết rằng, nhân dân Việt Nam không bao giờ khuất phục bất kỳ một kẻ thù nào khi họ xâm phạm tới chủ quyền đất nước ta.
Báo chí nên cùng ra khơi với ngư dân
PV: Rõ ràng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là không có giá trị, vậy Hội Nghề cá Việt Nam có những chính sách, kế hoạch gì và phối hợp với các cơ quan chức năng như thế nào để bảo vệ ngư dân ở những ngư trường truyền thống, thưa ông?
Ông Trần Cao Mưu: Chúng ta phải khẳng định rằng, việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá bao hàm cả lãnh thổ Việt Nam là hoàn toàn sai trái và không có giá trị, mà đã không có giá trị thì chúng ta vẫn tiếp tục bám biển khai thác.
Trách nhiệm của Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá các tỉnh và chính quyền địa phương là phải tuyên truyền, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi khai thác ở các vùng biển chủ quyền của chúng ta. Không phải vì lệnh cấm này mà chúng ta dừng khai thác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục luật pháp cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là những ngư dân trực tiếp ra khơi khai thác trên vùng biển tranh chấp. Phải khẳng định rằng, chúng ta làm đúng theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đối với các khu vực ở Vịnh Bắc Bộ, chúng ta làm đúng và khai thác đúng đường phân định Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo tôi, cần nhấn mạnh khái niệm ngư dân đang khai thác ở các vùng biển này không chỉ là mưu cầu cuộc sống của họ, mà họ là những chiến sĩ tiền tiêu nhất, đặc biệt nhất trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cũng cần xem họ ở vị trí, vai trò này để có chính sách cho phù hợp, nhằm động viên họ yên tâm trong quá trình sản xuất, không thấy mình đơn độc khi đánh cá trên biển; cơ quan chức năng Nhà nước cần có chính sách tốt hơn nữa, để ngư dân thực sự yên tâm trong quá trình khai thác.
Tôi được biết, một trong những mưu đồ của Trung Quốc là đưa phóng viên đi theo đội tàu 32 chiếc này. Như vậy, họ có thể đưa tin kịp thời. Nếu như có sự xâm hại, can thiệp nào đó thì họ “lu loa” lên rằng “anh nọ anh kia” xâm phạm đến quyền lợi của họ.
Do đó, chúng ta cũng cần phải có phóng viên báo đài, có truyền hình đi cùng ngư dân. Nếu phía Trung Quốc đến xâm phạm, như có hành động phun nước vòi rồng, bắn cháy tàu… thì chúng ta phải quay phim, ghi lại và đưa rộng rãi để không chỉ cho Việt Nam mà cả nhân dân Trung Quốc và thế giới thấy rằng họ làm thế là sai. Vừa qua, chúng ta nhận được thông tin vụ việc tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắn cháy, thì tàu đã cháy trụi mất rồi, thông tin sau đó phát ra cũng chậm.
Nếu chúng ta có báo chí đi theo, điều này thể hiện nguyện vọng của nhân dân, đó là mọi chuyện xảy ra trên biển thì đất liền đều nắm được và được xử lý rất nghiêm túc.
PV: Quay lại việc tuyên truyền vấn đề chủ quyền biển đảo, ông nhận định như thế nào về những việc chúng ta đã triển khai vừa qua?
Ông Trần Cao Mưu: Lâu nay, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều chương trình như: Em yêu biển đảo, Góp đá xây Trường Sa… Tôi nghĩ đây là những hành động rất thiết thực và nên tăng cường để nâng cao nhận thức và tình yêu biển đảo của nhân dân ta. Các thế hệ con cháu sau này, từ cấp tiểu học cũng phải biết được Việt Nam có chủ quyền biển đảo đến đâu, có những đảo nào, chúng ta quản lý ra sao…
Tôi nghĩ, việc đưa giáo dục biển đảo vào sách giáo khoa, vào nhà trường là rất cần thiết. Còn cách đưa như thế nào cần phải có chiến lược. Không chỉ truyên truyền trong viện bảo tàng, phòng trưng bày… mà phải làm cho tiềm thức thế hệ trẻ Việt Nam hiểu đầy đủ về biển đảo và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để có quyền và nghĩa vụ bảo vệ.
PV: Xin cảm ơn ông!./.