Phòng bệnh trên động vật thủy sản ở Khánh Hòa
Qua kết quả quan trắc môi trường Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo về công tác phòng bệnh cho tôm nuôi nước lợ, tôm hùm, ốc hương tại Khánh Hòa như sau:
1. Vùng nuôi tôm nước lợ
- Lấy nước: Vùng nuôi thôn Tân Thủy cần lấy nước vào ao lắng, xử lý diệt khuẩn kỹ trước khi bơm vào ao nuôi. Các vùng nuôi khác có thể lấy nước vào ao chứa lắng để sử dụng.
- Thời tiết nắng nóng có thể xảy ra trong thời gian tới và kéo dài, bà con nên chú ý mực nước ao nuôi luôn đảm bảo (tốt nhất là 1,2 m), thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, độ trong để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
- Mùa nắng nóng hay xảy ra dịch bệnh hoại tử gan tụy, mật độ vi khuẩn (đặc biệt là Vibrio sp.) tăng cao trong nước, bà con nên định kỳ diệt khuẩn ao nuôi bằng Iodine theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất và sử dụng men vi sinh sau 5 ngày diệt khuẩn.
2. Vùng nuôi tôm hùm lồng
- Người nuôi cần vệ sinh lồng bè, hạn chế hầu, rong bám nhằm tạo điều kiện trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi, san thưa mật độ tôm nuôi nhằm tăng hàm lượng Oxy trong nước.
- Thường xuyên quan sát thủy vực (màu nước, độ trong, sinh vật sống, rong tảo,…) và nắm bắt thông tin ở các hộ nuôi khác khi có hiện tượng tôm chết để có biện pháp di chuyển lồng nuôi kịp thời đến nơi có vùng nước trong sạch hơn, nguồn nước dễ lưu thông, độ sâu đảm bảo khi triều thấp là 6m (đối với lồng chìm) và 8m (đối với lồng nổi).
- Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm cải thiện sức khỏe và hệ men đường ruột của tôm hùm nuôi.
3. Vùng nuôi ốc hương
- Cần giữ gìn vệ sinh môi trường nuôi, định kỳ vệ sinh ao nuôi tránh tình trạng thiếu oxy cục bộ, tăng sinh vi khuẩn. Hàng ngày, vớt các con ốc chết và thức ăn thừa đưa lên bờ để xử lý.
- Thường xuyên thay nước, bổ sung chế phẩm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi.
- Ốc thường tích lũy thức ăn tốt nên có thể cho ăn đầy đủ dinh dưỡng từ 5-7 ngày và nghỉ không cho ăn 1 ngày. Người nuôi theo dõi nếu có biến động bất thường (dịch bệnh, mưa nhiều, nắng nóng, không thay được nước,…) cần bỏ đói ốc trong khoảng thời gian nhất định hoặc cho ăn ít hơn khẩu phần để đàn ốc vượt qua giai đoạn đó.