TIN THỦY SẢN

Phòng ngừa bệnh hoại tử trên hàu

Vi khuẩn N.crassostreae được phát hiện trên hàu bị nhiễm bệnh hoại tử. Ảnh: Tép Bạc Nhất Linh

Vi khuẩn N.crassostreae được phát hiện trên hàu bị nhiễm bệnh hoại tử và cho thấy loài này có nguy cơ gây tử vong cao trên hàu. Do đó, những người nuôi đã và đang thực hiện mô hình nuôi hàu cần sử dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Bệnh hoại tử

Bệnh do vi khuẩn Nocardia crassostreae gây ra, đây là một loại vi khuẩn Gram dương dẫn đến sự nhiễm trùng và hoại tử ở hàu. Loài vi khuẩn này có thể sống và phát triển ở nhiệt độ môi trường lên đến 30°C, nhưng tối ưu nhất là 28°C. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh thường xảy ra ở trong môi trường nước nông có hàm lượng ôxy thấp, nhiệt độ ấm và ở những nơi giàu dinh dưỡng. Vi khuẩn N.crassostreae tập trung chủ yếu ở các nang tuyến sinh dục, mô liên kết, mang, tim, cơ quan phụ, và có thể xâm chiếm mọi mô của các cơ quan khác. Vi khuẩn phân bố rộng rãi, không có khu vực cụ thể nào được coi là không có bệnh. Mặc dù, chưa xác định được cụ thể tỷ lệ tử vong, nhưng mức độ nhiễm trùng nghiêm trọng và tỷ lệ lây lan cao ở một số quần thể hàu cho con số rất đáng kể. 

Khi hàu bị bệnh hoại tử sẽ xuất hiện các mụn mủ màu xanh lá cây hoặc màu vàng, có đường kính lên đến 1cm. Tuy nhiên, chỉ với triệu chứng trên vẫn chưa đủ để khẳng định hoàn toàn hàu mắc bệnh do N.crassostreae gây ra, bởi có nhiều loại vi sinh khác gây bệnh cũng cho triệu chứng tương tự. Theo quan sát dưới kính hiển vi, cho thấy các tổn thương mụn mủ này bao gồm các khuẩn lạc nằm ở trung tâm bao quanh bởi sự khuếch tán các tế bào máu chủ. 

Biện pháp phòng bệnh 

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc và biện pháp hiệu quả cụ thể để điều trị bệnh. Người nuôi cần áp dụng các biện pháp chăm sóc, quản lý vùng nuôi nhằm phòng bệnh. Chằng hạn như thường xuyên vệ sinh khu vực nuôi hàu, tránh các vùng nước ô nhiễm. 

Trong quá trình nuôi, khi hàu đang lớn dần thì người nên áp dụng nuôi san thưa bằng cách làm thưa các chuỗi giá thể để đảm bảo điều kiện thức ăn cho hàu. Sau khoảng 6 tháng nuôi, nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi, tạo không gian để những con còn lại sinh trưởng nhanh. 

Nếu điều kiện môi trường không thuận lợi, có thể hạ dây nuôi xuống sâu hoặc khi bãi nuôi bị nhiễm bẩn hay ảnh hưởng của lũ lụt phải di chuyển hàu đến vùng khác có môi trường tốt hơn. Chú ý theo dõi mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi, nếu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề (hàm lượng ôxy thấp, pH thấp, bùn đáy quá dày, rong bám nhiều,…) cần tiến hành vệ sinh nền đáy và điều chỉnh giá thể thưa ra hoặc di chuyển đến nơi sạch hơn. Hàu có thể bị giết bởi nhiều loại địch hại khác nhau, bao gồm các sinh vật cạnh tranh vật bám, sinh vật ăn thịt (sao biển, cá...), sinh vật đục khoét, sinh vật ký sinh và các loài táo. Do dó, cần tiêu diệt địch hại của hàu. 

Đối với nhóm sinh vật bám thì phuơng pháp hiệu quả nhất là phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng Sulfat đồng 1 - 2% trong 1 giờ, tuy nhiên phuong pháp này tốn nhiều công sức và có thể gây hao tổn kinh phí cho người dân. Nếu áp dụng biện pháp sinh học phải hiểu rõ chu kỳ sống, đặc điểm sinh thái, đặc biệt là mùa sinh sản của các loài sinh vật bám để chủ động phòng tránh trong việc lấy giống. 

Đối với nhóm sinh vật ăn thịt, đục khoét (các loài ốc ngọc, ốc gai, ốc dò, cua, còng, cá...) cách phòng trừ chủ yếu là nhặt thủ công bằng tay khi thủy triều xuống hoặc dùng bẫy và áp dụng phương pháp nuôi giàn, bè để hạn chế địch hại từ đáy. Ngoài ra, có thể thu gom để loại bỏ các bọc trứng của ốc vào mùa sinh sản của chúng (tháng 7 - 9). Cuối cùng với nhóm sinh vật ký sinh, tảo, định kỳ hoặc khi thấy hàu bị bám bẩn nhiều, người nuôi cần vệ sinh hàu bằng cách dùng bàn chải cọ rửa để loại bỏ chất bẩn, rong và sinh vật bám. 

Định kỳ nên kiểm tra độ sinh trưởng của hàu nhằm kịp thời loại bỏ các cá thể nhiễm bệnh và xử lý để tánh tình trạng lây lan trong quần đàn. Bên cạnh đó, cần tham vấn ý kiến của cơ quan thú ý, thủy sản gần nhất khi phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh trên đàn nuôi. 

Nhất Linh