Phòng trị bệnh do vi khuẩn trên cá nuôi lồng bè
Bệnh trên cá thường do vi khuẩn gây ra, do đó bà con cần nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả.
1. Các bệnh do vi khuẩn trên cá nuôi
1.1. Bệnh viêm ruột (đốm đỏ) ở cá
* Dấu hiệu bệnh lý:
Cá kém ăn hoặc bỏ ăn;
Cá bệnh bơi lờ đờ trên tầng mặt;
Da cá màu tối, mất nhớt khô ráp;
Xuất hiện các đốm đỏ trên thân;
Mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi, hậu môn sưng đỏ;
Khi cá bệnh nặng có biểu hiện hoại tử da và cơ;
Mổ cá kiểm tra thấy nhiều dịch màu hồng trong bụng cá. Các cơ quan nội tạng bị xuất huyết và viêm nhũn (dịch hóa).
* Tác nhân gây bệnh:
Do nhóm vi khuẩn Aeromonas spp di động gây ra.
2.2. Bệnh thối mang
* Dấu hiệu bệnh lý:
Các tia mang thối nát, có dính bùn, lớp biểu bì phía trong mang xung huyết nên còn được gọi là bệnh mang đóng bùn.
Các tế bào tổ chức mang bị thối nát, ăn mòn và xuất huyết.
Bệnh này thường kết hợp với bệnh nhiễm trùng máu, xuất huyết (đốm đỏ).
Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu khi nhiệt độ nước 28- 35oC.
* Tác nhân gây bệnh:
Vi khuẩn dạng sợi Myxoccocus piscicolas.
2. Biện pháp phòng, trị bệnh do vi khuẩn
Việc trị bệnh do vi khuẩn cho cá rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao, vì vậy phòng bệnh rất quan trọng.
Thường xuyên theo dõi môi trường nước và cá nuôi để phòng bệnh cho cá. Ảnh: internet
* Biện pháp phòng bệnh:
Đảm bảo môi trường nước tốt cho đời sống của cá, không để cá bị sốc do môi trường thay đổi xấu.
Định kỳ treo túi vôi vừa có tác dụng khử trùng và kiềm hoá môi trường nước.
Mùa xuất hiện bệnh: 2 tuần treo một lần.
Mùa khác: một tháng treo 1 lần.
Lượng vôi: trung bình 2 kg vôi nung/10m3 lồng.
Bè lớn treo nhiều túi và bè nhỏ treo ít túi tập trung ở chỗ cho ăn và phía đầu nguồn nước chảy.
Cung cấp thêm lượng vitamin C, lượng dùng thường xuyên từ 20-30mg Vitamin C/1 kg cá/ngày.
Ngoài ra bà con có thể tham khảo phòng bệnh cho cá bằng tỏi tươi: Để cá ăn tỏi, phải bỏ đói chúng vài ngày. Sau đó đập dập tỏi rồi thả xuống lồng. Giúp phòng bệnh ký sinh trùng và bệnh đường ruột trên cá. Hoặc sử dụng bột tỏi với liều dùng 1-2g bột tỏi/kg cá/ngày liệu trình 5-7 ngày. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018) bổ sung 0,25% bột tỏi cho cá diêu hồng ăn giúp cá tăng cường sức đề kháng với mần bệnh và giảm tỉ lệ chết khi nhiễm bệnh do vi khuẩn S. agalactiae.
* Biện pháp trị bệnh:
Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp xử lý kịp thời. Việc chữa trị chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm, chẩn đoán đúng bệnh và trị bệnh các biện pháp hợp lý.
Khi phát hiện cá có các dấu hiệu của 2 loại bệnh trên cần áp dụng các biện pháp trị bệnh như sau:
Tăng sức để kháng cho cá nuôi: trộn vitamin C vào thức ăn rồi cho cá ăn. Đồng thời treo túi vôi ở đầu dòng nước chảy vào lồng.
Cho cá ăn thuốc kháng sinh: trộn kháng sinh vào thức ăn đúng liều lượng hướng dẫn. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày đầu.
TT | THUỐC KHÁNG SINH | CÔNG DỤNG | LIỀU DÙNG | GHI CHÚ |
1 | Oxytetracyclin | Trị bệnh nhiễm khuẩn, xuất huyết | 10 - 12g/ 100kg cá/ngày Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày | Vi khuẩn sẽ nhờn thuốc nếu cho ăn liên tục trong thời gian dài. |
2 | Steptomycin | Trị bệnh nhiễm khuẩn, xuất huyết | 10 - 12g/ 100kg cá/ngày Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày. | |
3 | Kanamycin | Trị bệnh nhiễm khuẩn, xuất huyết | 10 - 12g/ 100kg cá/ngày Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày | |
4 | Nhóm Sulphamid | Trị bệnh nhiễm khuẩn, xuất huyết, viêm ruột. | 1,5-2g/100kg cá/ngày | |
5 | Erythromycin | Trị bệnh nhiễm khuẩn, xuất huyết | 2-5g/100kg cá/ngày Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày. | Vi khuẩn nhờn thuốc rất nhanh |
6 | Rifamyxin | Trị bệnh nhiễm khuẩn, xuất huyết | 50-100mg | |
7 8 | Sulfadiazine Neomycine | Trị bệnh nhiễm khuẩn xuất huyết | Sulfadiazine 0,1g/kg cá /ngày Cho ăn 6 ngày Neomycine cho ăn 4g/100kg cá bệnh/ | Bảo quản trong chai nâu với Sulfadiazine |
Tính lượng thuốc cần dùng
Ví dụ: Tính lượng thuốc Oxytetracyclin trộn vào thức ăn với liều dùng là 10g/100kg cá/ngày để trị bệnh cho đàn cá có khối lượng trung bình là 0,5kg, số cá ước tính còn lại trong ao là 2000 con, dùng thuốc 7 ngày liên tục.
Cách tính:
Tính khối lượng cá trong ao: 2.000 con x 0,5 kg = 1000 kg
Tính lượng thuốc trộn vào thức ăn:
Lượng thuốc sử dụng: (10 x 1000) / 100 = 100 g
Tuy nhiên phương pháp sử dụng kháng sinh chỉ nên dùng khi trị bệnh cho cá, không nên dùng để phòng vì gây nguy cơ nhờn thuốc và tốn kém cũng như nguy cơ về sức khỏe.