TIN THỦY SẢN

Phòng trị bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc từ rong mơ

Hái rong mơ ở Quảng Nam. Ảnh: Internet NHƯ HUỲNH

Nghiên cứu này của Nguyễn Như Huỳnh, Từ Thanh Dung được thực hiện nhằm tìm hiểu hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết rong mơ và xác định nồng độ hiệu quả để bổ sung vào thức ăn giúp phòng bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc.

Cá lóc (Channa striata) là một trong những đối tượng nuôi phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích và gia tăng mật độ nuôi làm cá lóc dễ nhiễm bệnh đồng thời gia tăng tần suất xuất hiện bệnh. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, môi trường nuôi dễ biến động, khó kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh như: vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… bùng phát và lây lan. 

Những năm gần đây, tỉ lệ cá lóc bị nhiễm bệnh đốm trắng nội tạng do vi khuẩn Aeromonas schubertii xuất hiện với tần suất cao, xảy ra quanh năm và ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Khi nhận thấy dấu hiệu bệnh thì hầu hết hộ nuôi sử dụng hóa chất và kháng sinh để điều trị bệnh và việc điều trị bệnh còn theo cảm tính, sử dụng liều lượng tùy tiện, không hợp lý. Do đó dễ dẫn đến hình thành một số dòng vi khuẩn kháng thuốc. 

Trước tình hình đó, các sản phẩm trị bệnh cho cá có nguồn gốc thảo dược đang được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Bổ sung dịch chiết thảo dược là một trong những biện pháp được nhiều nhà khoa học nghiên cứu do tính an toàn sinh học cao. Nhiều nghiên cứu cho rằng khi bổ sung rong mơ vào thức ăn cho động vật thủy sản sẽ kích thích miễn dịch, tạo ra kháng thể, gia tăng các tế bào diệt tự nhiên, tăng hoạt tính lysozyme giúp động vật thủy sản kháng lại mầm bệnh, kích thích tăng trưởng và tăng tỉ lệ sống (Chen et al., 2003; Subeenabegum et al., 2016).

Công dụng của rong mơ với cá lóc

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định nồng độ thích hợp của chiết xuất rong mơ khi bổ sung vào thức ăn để đem lại hiệu quả tốt nhất lên sự tăng trưởng, tỉ lệ sống và khả năng đề kháng bệnh của cá lóc với bệnh đốm trắng nội tạng. 


Phương pháp ly trích rong mơ được mô tả bởi Huỳnh Trường Giang, 2012.

Trong chiết xuất rong mơ gồm có các sulfate polysaccharide gồm fucoidan (β-1,3 glucan), laminarin (β-1,3-1,6 glucan) và alginate. Trong đó, fucoidan là hợp chất đặc biệt được quan tâm nghiên cứu do chúng sở hữu rất nhiều hoạt tính sinh học (kháng u, kháng đông tụ máu, kháng virus, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm... (Kang et al., 2003). Ngoài ra, fucoidan còn tham gia vào quá trình miễn dịch tế bào và dịch thể trong cơ thể động vật. 

Sau khi ly trích chiết xuất rong mơ, hỗn hợp này được bổ sung vào trong thức ăn của cá thí nghiệm với các hàm lượng khác nhau. Cá lóc thí nghiệm được bổ sung chất chiết xuất từ rong mơ  vào thức ăn với các nồng độ 0g/kg, 4g/kg, và 8g/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 30 ngày.

Kết quả:

Tốc độ tăng trưởng, tăng trọng của các nhóm cá được bổ sung dịch chiết rong mơ cao hơn so với nhóm không bổ sung. Nghiệm thức cho ăn dịch chiết rong mơ với nồng độ 8g/kg TA cá nuôi có tăng trọng và tăng trưởng tốt nhất.

Hình 4: Cá lóc thí nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn A. schubertii với dấu hiệu xuất huyết (Trái) và đốm trắng li ti trên gan (Phải).

Sau 14 ngày cảm nhiễm với vi khuẩn, kết quả cho thấy tỉ lệ chết ở các nghiệm thức bổ sung dịch chiết rong mơ đều thấp hơn so với đối chứng (63,3%) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05). Ở NT2 bổ sung 8g/kg thức ăn chiết xuất rong mơ tỉ lệ chết chỉ chiếm 13,3% trong khi đó nghiệm thức không bổ sung thảo dược có tỉ lệ chết là 66.33 %.

Kết quả cho thấy sự tăng cường miễn dịch khi bổ sung rong mơ giúp tăng cường tỉ lệ sống của cá khi mầm bệnh xuất hiện. Bổ sung chiết xuất rong mơ 8 g/kg thức ăn,  giúp kích thích sự tăng trưởng, gia tăng khả năng đề kháng bệnh của cá làm giảm tỉ lệ tử vong của cá lóc khi nhiễm vi khuẩn A. schubertii

Nghiên cứu này cung cấp thêm kiến thức cho các nhà sản xuất và người nuôi cá lóc khả năng ứng dụng của rong mơ - loài rong phổ biến ở vùng biển nước ta - để phòng trị bệnh cho cá lóc nuôi. Góp phần hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh cá.

NHƯ HUỲNH