TIN THỦY SẢN

Phòng và trị bệnh trên cá bằng tỏi (Phần 2)

Tỏi (Allium sativum) có các hợp chất hoạt tính sinh học cung cấp các đặc tính sinh học khác nhau giúp tăng sức đề kháng của cá. Sương Phạm

Trong nuôi cá, tỏi có các hoạt động kháng khuẩn, chống ký sinh trùng, chống oxy hóa, kích thích miễn dịch và thúc đẩy tăng trưởng.

phần 1 chúng ta đã tìm hiểu tác dụng và một số hoạt tính cơ bản của tỏi, phần 2 này sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những công cụng tác động trực tiếp đến cá.

Hoạt động chống ký sinh trùng

Ở các sinh vật sống dưới nước, sự xâm nhập của ngoại ký sinh không phải là ngoại lệ, sự hiện diện của ký sinh trùng trong nuôi cá là một vấn đề lặp đi lặp lại ảnh hưởng xấu đến cá. Abd El-Galil và Aboelhadid (2012) cho cá rô phi nhiễm trùng bánh xe và sán lá đơn chủ ngâm trong dầu tỏi với nồng độ (1; 1,5; 2; 2,5 và 3 ppt) trong 24 giờ. Kết quả cho thấy cá rô phi đạt tỷ lệ hồi phục ≥ 55% khi được xử lý bằng dầu tỏi. 


Hình trái: Giáp xác chân chèo bám vào mang cá. Hình phải: Ký sinh trùng isopod được tìm thấy trên cá. Ảnh alchetron.com và Lochman Transparencies.

Hoạt động chống ký sinh trùng của tỏi như một lợi thế tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản là không thể phủ nhận. Hơn nữa, tỏi không chỉ sử dụng cho cá bị bệnh mà còn là một biện pháp phòng bệnh.  Militz et al. (2013) đã phát triển một phương pháp điều trị dự phòng chống lại Neobenedenia sp., Platyhelminthes khi sử dụng thức ăn có bổ sung tỏi cho cá chẽm với nồng độ 50 và 150 mL/L trong 10 và 30 ngày. Kết quả chỉ ra rằng việc bổ sung tỏi trong 30 ngày phòng bệnh hiệu quả vì sự lây nhiễm giảm 70% so với đối chứng và không ảnh hưởng đến độ ngon của thức ăn.

Hoạt động kích thích miễn dịch

Tác dụng tạo miễn dịch của tỏi đã được sử dụng trên cá hồi vân, cá rô phi lai và cá vược Châu Á. Sự gia tăng hoạt động thực bào và miễn dịch dịch thể (tổng số protein, lysozyme, protease và hoạt động diệt khuẩn) đã được ghi nhận sau khi sử dụng tỏi sống hoặc chiết xuất tỏi làm chất phụ gia trong thức ăn công nghiệp. Ở cá bảy màu, việc sử dụng chiết xuất tỏi trong thức ăn làm tăng các thông số miễn dịch của chất nhầy da, đây là hàng rào đầu tiên chống lại mầm bệnh. Ngoài ra, việc bổ sung tỏi cũng làm tăng mức tiêu thụ thức ăn, cải thiện việc sử dụng protein và axit amin ở tôm thẻ so với chế độ ăn chỉ chứa bột cá.


Cá hồi vân. Ảnh minh họa.

Thúc đẩy tăng trưởng

Việc bổ sung tỏi cho cá cũng ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng do các hợp chất organosulfur như allicin, là một chất kích thích mạnh đối với “mùi” của hầu hết các loài động vật thủy sản, làm tăng lượng thức ăn ăn vào của cá và động vật giáp xác. Aly và Atti (2008) bổ sung tỏi (10 và 20 g/kg) vào thức ăn cá rô phi trong 2 tháng và cho thấy tỷ lệ sống, chất lượng của cá rô phi tăng lên.

Etyemez Büyükdeveci et al. (2018) cũng đã nghiên cứu tác động của việc bổ sung chiết xuất tỏi vào chế độ ăn để nuôi cá hồi vân, kết quả cho thấy sự tăng trọng và tốc độ tăng trưởng của cá đã được cải thiện đáng kể khi có tỏi. Điều này có thể là do tỏi có khả năng chống lại bệnh tật giúp cá tiêu tốn nhiều năng lượng cho sự phát triển hơn so với diệt trừ mầm bệnh.

Ảnh hưởng đến thành phần vi sinh vật đường ruột của cá

Sự thay đổi thành phần vi khuẩn có thể liên quan đến đặc tính kháng khuẩn của tỏi, chứa nhiều hợp chất như tannin, ancaloit, saponin, axit béo và tinh dầu. Sự gia tăng của một số nhóm vi khuẩn khi có tỏi đã kích hoạt hoạt tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn gram âm như Aeromonas, E. coli, Pseudomonas và các loài Vibrio, cũng như các vi khuẩn gram dương như Bacillus, Streptococcus Staphylococcus.

Foysal et al. (2019) đã chứng minh việc sử dụng tỏi (0,5 và 1,0 g/100g thức ăn) trong 14 ngày ở cá rô phi bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus iniae. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của cá được cải thiện, kích thích miễn dịch và điều chỉnh cấu trúc hệ vi sinh đường ruột. 

Chỉ số đa dạng vi khuẩn tăng lên, đặc biệt là sự phong phú của phyla ProteobacteriaTenericutes. Sự hiện diện của phylum Proteobacteria trong ruột giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của cá. Phylum Tenericutes có tác dụng tích cực đối với sự phát triển và ngăn chặn vi khuẩn có hại, được sử dụng như một chế phẩm sinh học để cải thiện tình trạng sức khỏe của cá. Do đó, việc đưa tỏi vào khẩu phần ăn cho cá rô phi được khuyến khích do tác động tích cực đến sức khỏe của cá, bao gồm cả việc cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột. 

Kết luận

Tỏi có các đặc tính đa vi sinh: chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng virus, chống ký sinh trùng, kích thích miễn dịch, chống căng thẳng, kích thích sự thèm ăn và ổn định hệ vi sinh vật đường ruột. Những đặc tính này là do các hợp chất hoạt tính sinh học như allicin, ajoene và alliin,... Đặc biệt là allicin, một hợp chất organosulfur, cung cấp hầu hết các đặc tính sinh học của tỏi làm nổi bật hoạt tính kháng khuẩn của nó giúp tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh cho cá khi được bổ sung vào chế độ ăn.

Theo: Exploring the garlic (Allium sativum) properties for fish aquaculture. Fish Physiology and Biochemistry volume 47, pages1179–1198 (2021).

Sương Phạm