TIN THỦY SẢN

Phương pháp phát hiện nhanh chóng bệnh trên tôm ở ngay giai đoạn đầu

Xét nghiệm PCR để kiểm tra sự có mặt của mầm bệnh Mây

Phương pháp PCR từ lâu đã trở nên quen thuộc với người nuôi tôm cá. Phương pháp này có thể chẩn đoán nhanh chóng một số bệnh trên tôm cá mà ở phương pháp thông thường không thể làm được.

PCR là gì? Tại sao nên chọn xét nghiệm PCR?

PCR (Polymerase Chain Reaction) là một kỹ thuật sinh học phân tử được sử dụng để "khuếch đại" phân tử DNA hoặc đoạn phân tử DNA ngoài cơ thể sống, làm tăng số lượng DNA ban đầu lên lượng tùy ý muốn theo cấp lũy thừa, tạo ra hàng ngàn đến hàng triệu bản sao của một trình tự DNA nào đó.

Kỹ thuật PCR được phát triển vào năm 1983 bởi Kary Mullis, đây là một kỹ thuật phổ biến trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh học và y học. Việc xác định các bệnh di truyền cũng như bệnh truyền nhiễm, xác định huyết thống, giải trình tự DNA,... đều là những ứng dụng từ kỹ thuật PCR.

Các loại PCR thường gặp

- RT-PCR (PCR phiên mã ngược): Là một kỹ thuật kết hợp giữa sao chép ngược (phiên mã ngược) RNA thành DNA (trong bối cảnh này được gọi là DNA bổ sung hoặc cDNA) và khuếch đại các mục tiêu DNA cụ thể bằng PCR. Nó chủ yếu được sử dụng để đo lượng RNA cụ thể, phân tích biểu hiện gen và định lượng RNA của virus trong các nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng.

- Nested-PCR: Là kỹ thuật cải tiến của PCR với mục đích làm giảm sai lệch kết quả PCR trong trường hợp mồi không mong muốn gắn vào mạch DNA khi có tạp nhiễm. Sử dụng 2 bộ mồi: Mồi 1 sẽ bắt cặp với DNA tổng hợp thành mạch mới. Mồi 2 sẽ bắt cặp với mạch mới vừa tổng hợp (sp PCR lần đầu) để tổng hợp mạch mới đúng như ý muốn. Kỹ thuật này sẽ xác định được sự hiện diện của mầm bệnh, dù số lượng rất nhỏ.

Phòng xét nghiệm PCR

- LAMP-PCR: Hoạt động dựa trên sự bắt cặp của 4 loại mồi vào 6 vị trí đặc hiệu trên gen đích. Kết quả là tạo thành hỗn hợp các sợi đôi DNA chứa nhiều trình tự DNA với mục tiêu và kích thước khác nhau. Phương pháp này khá đơn giản, rẻ tiền. Kết quả dương tính dựa trên phản ứng kết tủa với Mg-pyrophosphate sẽ phát quang dưới tia UV.

- Real time PCR: Vừa khuếch đại số lượng DNA, vừa phát hiện và biết được mức độ bệnh (dựa vào số lượng DNA ít hay nhiều có trong mẫu). Phương pháp có sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang để xác định cường độ của chất đánh dấu, từ đó tính lượng hàm lượng DNA trong mẫu.

- Multiplex PCR: Phản ứng tổng hợp một lúc nhiều mạch DNA của vật gây bệnh nhờ sử dụng nhiều cặp mồi, mỗi cặp mồi tương ứng với một đoạn gen đặc hiệu. Ưu điểm của phương pháp này là giảm thiểu được thời gian xác định bắt cặp vào mạch DNA chủ đích khi dùng 1 cặp mồi.

PCR mang đến nhiều lợi ích cho người nuôi

Một trong những lợi ích chính của xét nghiệm PCR ở tôm là khả năng phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh, ngay cả trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện. Điều này cho phép người nuôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sớm, giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan sang quần thể tôm trong ao. 

Xét nghiệm PCR tôm có độ đặc hiệu và độ nhạy cao. Điều này có nghĩa là kiểm tra PCR có thể xác định chính xác loại mầm bệnh gây bệnh cụ thể trong các mẫu tôm, giúp tránh kết quả dương tính hoặc âm tính giả. Mang lại độ chính xác cao.

Xét nghiệm PCR cũng có thể giúp xác định các loại mầm bệnh gây bệnh ở tôm. Thông tin này rất quan trọng để thiết kế các chiến lược kiểm soát phù hợp, vì mỗi mầm bệnh có thể yêu cầu các phương pháp phòng ngừa và quản lý khác nhau. 

Bằng cách tiến hành xét nghiệm PCR thường xuyên trên tôm, người nuôi có thể theo dõi tốt hơn sự lây lan của dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm PCR giúp người nuôi đưa ra quyết định liên quan đến việc cách ly và kiểm soát quần thể bị nhiễm bệnh để ngăn chặn bệnh lây lan rộng hơn. 

Xét nghiệm tôm giống bằng phương pháp PCR

Thử nghiệm PCR cũng có thể được sử dụng trên ấu trùng tôm để thu được con giống kháng bệnh. Bằng cách tiến hành xét nghiệm PCR, người nuôi có thể đảm bảo rằng ấu trùng được thả có khả năng kháng các mầm bệnh cụ thể, tăng cơ hội nuôi trồng thành công. 

Mặc dù xét nghiệm PCR tôm đắt hơn các phương pháp phát hiện khác, nhưng việc phát hiện sớm và chính xác có thể tiết kiệm chi phí lâu dài và ngăn ngừa những tổn thất tiềm ẩn trong tương lai. 

Xét nghiệm PCR tôm thường được thực hiện trong phòng thí nghiệm sử dụng các mẫu do người nuôi tôm chuẩn bị. Thông thường, các mẫu này có thể là mẫu tôm nguyên con hoặc các mẫu nội tạng như gan tụy, dạ dày và biểu mô, được ngâm trong cồn 70 – 96% trong 24 giờ trước khi gửi đi.

Nhiều bệnh trên tôm cá đã được chuẩn đoán nhanh chóng bằng phương pháp PCR:

- Bệnh đốm trắng trên tôm(WSSV).

- Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm (AHPND/EMS).

- Bệnh vi bào tử trùng trên tôm (EHP).

- Hội chứng Taura trên tôm (TSV).

- Bệnh đầu vàng trên tôm (YHV).

- Bệnh hoại tử cơ trên tôm (IMNV).

- Bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV).

- Bệnh Phát sáng trên tôm (Vibrio harveyi).

- Vi khuẩn gây hoại tử gan tụy (NHPB).

- Bệnh virus trên cá Koi (KHV).

- Bệnh vi khuẩn trên cá rô phi (FLB).

Xét nghiệm PCR ở đâu?

Hiện nay, phương pháp PCR tuy đã phổ biến nhưng do cần trình độ kỹ thuật cao cũng như các dụng cụ thiết bị chất lượng thì mới có thể tiến hành phương pháp này. Một số phòng LAB tại một số khu vực có nhận xét nghiệm bằng hai cách phổ biến là xét nghiệm tại phòng hoặc gửi vật mẫu về trung tâm chính.

Vì vậy, bà con nên lựa chọn nên uy tín và chất lượng để có thể có một kết quả chính xác và có biện pháp xử lý kịp thời nếu tôm đã mắc bệnh.

Mây