Quản lý cảng cá, mỗi nơi một kiểu
Theo Luật Thủy sản 2017, cảng cá sẽ co vai trò quan trọng trong việc chống hoạt động khai thác bất hợp pháp (IUU). Tuy nhiên, hệ thống cảng cá trong cả nước đang tồn tại một số bất cập...
Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 82 cảng cá đã đi vào hoạt động tại 28 tỉnh, TP ven biển. Trong đó, có 25 cảng cá loại I và 57 cảng cá loại II. Có 2 cảng cá đã đáp ứng được cho tàu cá với công suất lên tới 2.000 CV và 9 cảng cá đáp ứng được cho tàu cá tới 1.000 CV. Hệ thống cảng cá hiện có khả năng đáp ứng cho 1,8 triệu tấn sản phẩm qua cảng mỗi năm (9.298 lượt tàu cá/ngày).
Một bất cập lớn trong hệ thống cảng cá hiện nay, đó là chưa có sự thống nhất về quản lý đối với các cảng cá ở các địa phương. Chẳng hạn, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện có 6 cảng, cụm cảng cá và 10 bến cá. Trong đó, 1 cảng thuộc quản lý của Sở NN-PTNT, một số cảng trực thuộc UBND huyện. Các cảng, bến cá còn lại nằm dưới sự điều hành, quản lý của các DN.
Vì không thống nhất về quản lý nên theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hội Nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu, các cảng cá trên địa bàn tỉnh này chưa phối hợp tổ chức được các hoạt động vệ sinh môi trường, chưa tổ chức được hệ thống quản lý thống kê nguồn lợi thủy sản, thống kê tàu thuyền, chưa quản lý được chất lượng sau khai thác. Hệ thống thu mua thủy sản tại các cảng cá cũng chưa được tổ chức lại theo hướng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo Tổng cục Thủy sản, tên gọi, chức năng, mô hình quản lý cảng cá đang có sự thiếu thống nhất trên cả nước. Có nơi, Ban quản lý cảng cá trực thuộc Sở NN-PTNT, nơi khác lại thuộc UBND huyện hoặc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy sản …
Việc thiếu thống nhất trong quản lý các cảng cá đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chống khai thác IUU nói riêng, quản lý, phát huy hiệu quả của hệ thống cảng cá nói chung.
Cụ thể, việc phân cấp quản lý cảng cá, bến cá chưa có sự thống nhất giữa các địa phương dẫn đến những khó khăn trong công tác điều hành chung, khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ giữa các cảng cá để trao đổi thông tin, điều phối hoạt động của tàu ra vào cảng, khó khăn trong việc tổng hợp số liệu định kỳ về sản lượng khai thác cập cảng.
Nhìn chung các cảng cá chưa đáp ứng được các khuyến nghị của EU về kiểm soát tàu cá, thống kê và giám sát sản lượng thủy sản khai thác …
Ông Ngô Thanh Liêm, GĐ Cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, mô hình quản lý không thống nhất đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý cảng cá những năm qua. Đặc biệt, khi hải sản Việt Nam bị EU rút thẻ vàng cảnh cáo về khai thác IUU, thì càng lộ ra những hạn chế lớn về quản lý cảng cá do sự thiếu thống nhất. Do đó, khi cảng cá được giao nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, thì càng cần phải có mô hình quản lý thống nhất từ trung ương tới địa phương.
Chính vì vậy, tìm ra mô hình quản lý thống nhất cho các cảng cá đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, khi đã được giao nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, các cảng cá cũng cần được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu của EU và chống khai thác IUU. Cụ thể, các cảng phải được trang bị cân điện tử lớn để cân nguyên liệu khi lên cảng, máy photocopy, máy tính có kết nối internet…
Có như vậy, các cảng cá mới làm tốt được nhiệm vụ thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Tại hội nghị về công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 12/2017, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã đề nghị Ban quản lý các cảng cá nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Bộ mô hình quản lý cảng cá cho phù hợp với từng địa phương.