Quản lý chất thải trong ao nuôi cá tra
Cá tra là đối tượng nuôi mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Bên cạnh đó, yếu tố dịch bệnh bùng phát mà nguyên nhân chính là do người nuôi quản lý chất thải trong ao không đúng cách nên khi sức khỏe của cá nuôi không được tốt cộng với môi trường ao nuôi xấu thì yếu tố dịch bệnh bùng phát là không tránh khỏi. Do vậy, việc quản lý chất thải trong ao nuôi là yết tố quyết định đến thành bại của một vụ nuôi.
Quản lý chất thải sẽ cho hiệu quả tốt.
Sau đây là các biện pháp quản lý chất thải tương đối hiệu quả và ít tốn chi phí giúp người nuôi cá tra thương phẩm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh cho một vụ nuôi thắng lợi. Về quản lý nguồn thức ăn, nếu là thức ăn tự chế thì cần tính toán cẩn thận thành phần dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn cá nuôi nhằm giảm thấp hệ số thức ăn cá tiêu hóa tốt, chất thải của cá nuôi thải ra môi trường ít hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Sử dụng các chất kết dính như bột gòn hoặc bột keo để làm tăng độ kết dính của thức ăn hạn chế thức ăn bị tan trong nước.
Nếu là thức ăn công nghiệp thì nên chọn các hãng thức ăn có uy tín về chất lượng, các loại thức ăn ít tan trong nước, cỡ viên phù hợp với cỡ miệng của từng giai đoạn cá nuôi để khi cho ăn cá tiêu thụ hoàn toàn tránh dư thừa lắng chìm xuống đáy ao.
Khẩu phần cho cá ăn phải theo dõi thật sát thông qua việc theo dõi hằng ngày tùy thuộc vào khả năng bắt mồi của cá nuôi và các yếu tố thời tiết, môi trường thay đổi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi. Bổ sung thêm men tiêu hóa giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn giảm hệ số thức ăn hạn chế chất thải ra môi trường nuôi. Cho cá ăn phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 định (định lượng, định chất, định điểm và định thời gian cho cá ăn).
Về quản lý chất thải nền đáy ao thì định kỳ bón men vi sinh xử lý nền đáy ao 10 – 15 ngày/lần để phân hủy các chất thải như thức ăn dư thừa lắng tụ, chất thải của cá nuôi, xác chết của cá trong quá trình nuôi mà chúng ta không thể thu gom được, xác tảo tàn lắng tụ lâu ngày đưới đáy ao. Đây là nguồn chất thải tương đối lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá nuôi, đặc biệt là vào những ngày thời tiết thay đổi, khí độc trong các chất thải này sẽ bùng phát ra trong môi trường nước ảnh hưởng đến cá nuôi.
Thu hoạch cá tra nuôi ao, hầm. Ảnh: TRỌNG ÂN
Sử dụng máy sục khí làm tăng độ oxy hòa tan trong nước giúp cá hô hấp tốt giảm thấp hệ số thức ăn, sục khí còn giúp cho vi khuẩn đáy ao làm việc có hiệu quả hơn trong quá trình phân hủy chất thải đáy ao, hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Sử dụng máy hút bùn dưới nền đáy ao 1 – 2 lần/vụ nuôi, biện pháp này tương đối mất thời gian nhưng rất có hiệu quả vì hầu hết các chất cặn bã dưới đáy ao đều được đưa ra khỏi ao nuôi một cách triệt để. Đối với những ao có diện tích tương đối nhỏ có thể bố trí các máy quạt nước vừa làm tăng oxy hòa tan trong nước vừa có tác dụng gom tụ các chất cặn bã vào giữa ao rồi sau đó dùng máy hút bùn hút các chất cặn bã ra bên ngoài ao nuôi. Có thể thả ghép một số loài cá ăn tảo như cá chép, rô phi,... để hạn chế nguồn tảo trong ao, vừa có tác dụng hạn chế chất thải đáy ao, vừa có thêm nguồn thu nhập phụ cho người nuôi ngoài nguồn thu nhật chính là con cá tra.
Năm 2012 này, An Giang phấn đấu tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 360.00 tấn (tăng 6,82%), xuất khẩu 165.000 tấn (tăng 14,58%), đạt giá trị 465 triệu USD (tăng 16,25%). Theo đó, mục tiêu hàng đầu vẫn là phát triển theo hướng bền vững, chất lượng thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tự xây dựng vùng nuôi, chủ động nguồn cá tra nguyên liệu với diện tích khoảng 330 héc-ta và sản lượng 165.000 tấn/năm. Trong đó, có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản có vùng nuôi được chứng nhận GlobalGAP, với diện tích 196 héc-ta và sản lượng 115.000 tấn/năm, chiếm 30% – 40% sản lượng xuất khẩu của tỉnh.