Quản lý nấm đồng tiền trong ao tôm
Kiểm soát và xử lý tình trạng nấm đồng tiền xuất hiện trong ao canh tác luôn là thách thức đối với người nuôi bởi không chỉ làm tôm bị bệnh, khiến chất lượng tôm suy giảm, nấm đồng tiền còn bám vào các thiết bị trong ao nuôi như quạt, vỉ ôxy,…gây khó khăn cho việc xử lí và khiến tôm nuôi mắc nhiều bệnh hơn.
Nguyên nhân
Nấm đồng tiền thường xuất hiện ở đáy và bờ ao nuôi tôm có hình dạng như: vảy, cành cây, búi sợi hay chân chó. Chúng phát triển nhanh chóng do một vài nguyên nhân như:
- Ao dư chất hữu cơ, thức ăn thừa, chất thải của tôm và các vi sinh vật khác.
- Ao tôm thiếu oxy, nhiều khí độc như: amoni, nitrit, nitrat, sunfua, metan,…
- Ao tôm có nhiệt độ thấp, độ pH không ổn định, độ mặn thay đổi thất thường.
- Ao tôm bị nhiễm các loài vi khuẩn, vi bào tử, ký sinh trùng, động vật nguyên sinh gây bệnh cho tôm.
- Những vùng nuôi có độ mặn cao, ao nuôi bị sụp tảo
Vì nấm đồng tiền có mùi tanh và có khả năng tiết ra độc, khi tôm ăn phải nấm vào cơ thể sẽ dễ mắc bệnh đường ruột, khó tiêu hóa, bỏ ăn, từ đó ốp thân và rớt đáy.
Bên cạnh đó, nấm đồng tiền là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn Vibrio gây hại, nguyên sinh động vật, vi bào tử, ký sinh trùng,.. gây hại cho tôm. Đặc biệt trong môi trường nước, nấm đồng tiền có khả năng lây lan và phát tán rất mạnh.
Nhận biết
Người nuôi có thể nhận biết nấm đồng tiền qua các dấu hiệu sau:
- Màu sắc: Nấm đồng tiền có màu xanh lục, trắng, vàng hay nâu, tùy theo loại tảo cộng sinh với nấm.
- Mùi: Nước có mùi tanh rất khó chịu
- Quan sát xung quanh ao: Trên bề mặt đáy và bờ ao hay đất, đá, và các vật dụng, dụng cụ trong ao nuôi tôm khi quan sát có thể thấy nấm có hình vảy hoặc hình cành cây phân nhánh hoặc có dạng giống như một búi sợi bám vào.
- Biểu hiện trên tôm: Tôm có các dấu hiệu như lỏng ruột, đường ruột đứt khúc,…và nặng hơn là bệnh phân trắng. Nếu ăn phải nấm có thể quan sát thấy tôm bị còi cọc, ốp thân chậm lớn và nặng hơn có thể bị rớt đáy.
Kiểm soát, quản lý hiệu quả
Khi phát hiện ao nuôi đang có tình trạng nhiễm nấm đồng tiền, bà con lưu ý không nên trực tiếp lau bạt, lau thiết bị nuôi tôm. Vì phương pháp thủ công này sẽ khiến loài nấm phân tán bào tử nấm nặng hơn và tốc độ lây lan của chúng sẽ nhanh hơn. Khi nấm bị tróc, chúng sẽ tạo ra mùi tanh để hấp dẫn tôm, tôm ăn phải sẽ gây ảnh hưởng đến gan, ruột cũng như hệ tiêu hóa.
Phòng ngừa khi cải tạo ao
Nếu ao nuôi đã bị nhiễm nấm ở các vụ nuôi trước thì bắt buộc phải tiến hành tẩy nấm và tiêu diệt bào tử nấm. Tiếp đến, bà con có thể tiến hành các bước theo quy trình sau:
- Cải tạo đáy ao và làm sạch ao bằng phương pháp hòa trộn vôi nung với nước tạo thành hỗn hợp dung dịch sệt rồi tạt khắp bờ ao. Càng phủ vôi dày trên bạt ao thì hiệu quả xử lý càng cao.
- Tất cả những dụng cụ hay thiết bị dùng trong nuôi tôm bị nhiễm nấm đồng tiền đều phải được xử lý bằng vôi tôi.
- Phơi ao khô khoảng 2 - 3 ngày. Sau đó, tiến hành tẩy rửa, vệ sinh ao nuôi và phơi ao thêm khoảng 1 tuần nữa.
Xử lý nấm đồng tiền trong ao tôm
- Nếu nhận thấy nấm đồng tiền xuất hiện trong ao nuôi, bà con cần áp dụng các biện pháp xử lý ngay lập tức.
- Đầu tiên, nên cắt giảm bớt lượng thức ăn cho tôm, đồng thời bổ sung thêm vitamin C để tăng khả năng chống chịu của tôm với các yếu tố bên ngoài.
- Sau đó nên sử dụng enzyme để xử lý nước và kết hợp sử dụng men vi sinh với liều lượng cao ở nơi có nấm để làm sạch nước và ngăn chặn nguồn dinh dưỡng cung cấp cho nấm phát triển.
Bên cạnh đó, người nuôi cũng có thể sử dụng thêm men vi sinh giúp ức chế nấm đồng tiền trong giai đoạn đầu. Vì trong thành phần của men vi sinh này có chứa chủng vi khuẩn giúp ức chế sự phát triển của nấm đồng tiền. Đặc biệt, giai đoạn nấm mới phát triển, nên dùng định kỳ để hạn chế sự lây lan của nấm.