TIN THỦY SẢN

Quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ nuôi tôm

Cảnh quan khu nuôi tôm công nghiệp Sáu Nghệ

Phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp khiến nguồn nước dễ bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh. Cho nên, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh tại những vùng nuôi tôm trọng điểm có vị trí đặc biệt quan trọng và năm nay, nhiều địa phương rất quan tâm.

Hệ thống từ trung ương  

Cục Thủy sản cho biết, kết thúc năm 2023 đã thiết lập và duy trì hoạt động mạng lưới quan trắc môi trường (QTMT) phục vụ nuôi tôm nước lợ từ trung ương đến địa phương với xấp xỉ 500 điểm. Cả 28/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt và triển khai công tác QTMT phục vụ nuôi tôm nước lợ tại những vùng trọng điểm. Thông số, tần suất quan trắc thực hiện định kỳ 2 lần/tháng, một số thời điểm thực hiện 4 lần/tháng hoặc hơn tùy theo yêu cầu lúc giao mùa, hạn, lũ. 

Công tác QTMT phục vụ nuôi tôm nước lợ do Cục Thủy sản chủ trì được giao cho các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III và Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện. Các địa phương tổ chức quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường định kỳ tại những vùng nuôi tôm theo kế hoạch đã phê duyệt. Kết quả chuyển đến cơ quan quản lý trung ương, địa phương và người nuôi tôm nước lợ bằng các bản tin theo định kỳ.  

Cục Thủy sản đã hướng dẫn triển khai thực hiện cập nhập dữ liệu QTMT trên phần mềm cơ sở dữ liệu. Đồng thời cũng đã có “Sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ và mặn” làm căn cứ để triển khai hiệu quả công tác QTMT trong nuôi tôm. 

Tuy nhiên, Cục Thủy sản chỉ ra, ngoài những kết quả đạt được kể trên, công tác QTMT phục vụ nuôi tôm còn có những bất cập. Đó là hệ thống văn bản quản lý thiếu đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành, quy định chất lượng nước cấp và nước thải trong nuôi tôm. Thiếu nguồn lực: Cán bộ QTMT tại địa phương chủ yếu kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị cũ, kinh phí không đủ. Vị trí quan trắc dạng điểm, tần suất quan trắc mỏng và cập nhật dữ liệu quan trắc của địa phương lên hệ thống CSDL chưa đồng bộ. 

Cho nên trong năm 2024, Cục Thủy sản chỉ đạo tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại những vùng nuôi tôm trọng điểm để dự báo chính xác và có cảnh báo sớm đến người nuôi tôm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cục thú y trong công tác quản lý thủy sản; phòng, chống dịch bệnh cho tôm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. 

Quan trắc cảnh báo kịp thời chất lượng nước, dịch bệnh ngoài môi trường và trong ao nuôi. Ảnh: Tép Bạc

Địa phương tập trung trọng điểm 

Tỉnh Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, có 17 điểm QTMT chỉ tính tại các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn lấy nước vào ao nuôi, vùng nuôi. Bên cạnh, tỉnh còn yêu cầu các HTX, THT tổ chức quan trắc và thu mẫu đầu nguồn, trong ao nuôi và tại các các nơi xả thải để kịp thời cảnh báo, khuyến cáo người nuôi tôm chủ động trong sản xuất. Những hộ muốn phát triển nuôi siêu thâm canh có diện tích dưới 01ha, phải bố trí hệ thống chứa, xử lý nước thải đảm bảo quy định. 

Bạc Liêu đã ban hành có nhiều quyết định và quy chế bảo vệ môi trường, trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện cùng với tăng cường QTMT để đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh. Đó là Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND ngày 19/8/2022 của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030. 

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước ta, đã triển khai 27 điểm QTMT tại đầu nguồn nước cấp trên địa bàn 9 huyện/thành phố. Kế hoạch năm 2024 của tỉnh nhấn mạnh: “Tăng cường công tác QTMT, giám sát dịch bệnh; quản lý và kiểm soát chặt chẽ môi trường và dịch bệnh ở các vùng nuôi tôm, nhất là các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh”.               

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh lớn nhất nước ta,  có 28 điểm QTMT chỉ tính ở những truyến kênh, sông chính. Kế hoạch năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu: “Quan trắc cảnh báo kịp thời chất lượng nước, dịch bệnh ngoài môi trường và trong ao nuôi từ đó đưa ra những khuyến cáo cho người nuôi chọn lựa thời điểm tốt nhất để thả giống và có giải pháp phòng ngừa trong quá trình nuôi để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Đặc biệt, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung, đánh giá, tính toán chỉ số chất lượng nước cho vùng nuôi thủy sản lợ và mặn để kịp thời đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo nhằm giúp người nuôi hạn chế thấp nhất thiệt hại trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu”.

Sáu Nghệ