TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Cầm cự nuôi tôm nước lợ

Vụ 1 nuôi tôm nước lợ diễn ra với nhiều rủi ro.Ảnh: N.Q.V Nguyễn Quang Việt

Do lo sợ dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục xảy ra nên ở vụ 1 - 2016, số diện tích thả nuôi tôm ở vùng triều rất ít, nhiều ao nuôi bỏ hoang…

Dè dặt thả nuôi

Xã Tam Phú là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi tôm nước lợ của TP.Tam Kỳ trong nhiều năm qua. Ở vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2016, các nông hộ trên địa bàn xã chỉ thả nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 55ha trong tổng số 96ha ao nuôi. Nhiều hộ có thâm niên nuôi tôm ở xã Tam Phú cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, họ không dám đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên các diện tích nuôi tôm quen thuộc.

Ví như gia đình ông Mai Văn Đính ở thôn Phú Ngọc. Ông Đính cho biết, gia đình có hơn 1ha ao nuôi tôm từ nhiều năm qua. Những năm qua nghề nuôi tôm quá bấp bênh. Vụ vừa rồi, rất may là khi thấy xung quanh ao nuôi tôm của gia đình có nhiều ao nuôi bị dịch bệnh nên đã kịp thời bán sớm tôm thương phẩm, đủ bù trang trải chi phí đầu tư. Lo ngại điều kiện hạ tầng của vùng nuôi không đảm bảo trong khi nước sông Trường Giang ngày càng ô nhiễm nặng sẽ khiến cho các mầm bệnh dễ dàng phát tán trên tôm nuôi nên ông Đính đã “ngó lơ” ở vụ 1 vừa qua.

Từ đầu năm đến nay, ở các thôn Phú Đông, Phú Quý, Quý Thượng (Tam Phú), do mang tâm lý sợ sệt nghề nuôi tôm sẽ thất bát khiến cho nhiều hộ nuôi tôm đứng ngoài cuộc. “Thời tiết thất thường, cả ngày nắng chói chang đến chiều hay đêm lại mưa lớn rất dễ khiến tôm nuôi bị sốc, không đủ sức đề kháng nên chết. Khô hạn, nhiễm mặn cũng khiến tôm nuôi rất khó phát triển. Nhiều hộ nuôi tôm sợ sệt, bỏ ngỏ vụ nuôi chứ không riêng chi gia đình chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Độ (thông Quý Thượng) nói.

Xã Tam Tiến (Núi Thành) có không nhiều diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vụ 1 - 2016. Riêng vùng triều ven sông của xã có đến 350ha thì chỉ có 50ha được thả nuôi từ đầu năm đến nay. Các đồng tôm thuộc các thôn Lộc Ngọc, Diêm Trà, Bản Long vốn rất sôi động thu hoạch tôm vào thời điểm này ở các vụ trước rơi vào cảnh bỏ không hoặc chuyển sang các đối tượng nuôi thủy sản mới.

Ông Nguyễn Văn Út là một trong những hộ nuôi tôm ít ỏi ở thôn Bản Long. Ở vụ 1 - 2016, gia đình ông Út thả nuôi 500 nghìn con tôm thẻ chân trắng trên 2 ao nuôi có tổng diện tích 5.000m2. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, ông Út thu hoạch được 3 tấn tôm, bán được 300 triệu đồng, lãi được hơn 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, ở vụ tôm vừa qua, trên địa bàn xã có rất ít hộ nuôi tôm thu lợi như gia đình ông Út. Toàn xã có đến 20ha tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công. 

Cần hoàn thiện vùng nuôi

Vụ nuôi tôm vừa qua thất bát chủ yếu do hạ tầng vùng nuôi sơ sài; nguồn nước nuôi tôm ô nhiễm; các nông hộ không đủ nguồn lực đầu tư; công tác khống chế, không cho lây lan bệnh trên tôm nuôi diễn ra chậm. “Nhìn chung, vụ 1 nuôi tôm nước lợ trên địa bàn xã diễn ra rất bất lợi. Nhiều khó khăn cộng lại đã khiến cho vụ nuôi không thành công.

Dự kiến tình hình nhiễm mặn, hạn hán và biến đổi khí hậu sẽ diễn ra cực đoan hơn trong vụ 2 sắp đến. Chúng tôi đề nghị các hộ nuôi tôm nên thận trọng, cần cân nhắc các yếu tố của vùng nuôi, không nên nuôi tôm với mật độ lớn. Các nông hộ cũng nên xem xét kỹ, chuyển đổi vùng nuôi tôm sang nuôi các loài thủy sản khác như cá đối, cá chẻm, cá dìa theo hình thức quảng canh, xen canh. Mặc dù không thu lợi cao như nuôi tôm nhưng cũng có nguồn thu nhập tương đối khá nếu nuôi tốt” - ông Luận nói.

Ông Luận cho biết thêm, vùng nuôi tôm tập trung ở thôn Diêm Trà của xã được UBND tỉnh thông qua và đầu tư xây dựng là một tín hiệu đáng mừng. Khi hoàn thiện sẽ quy tụ được các hộ nuôi vào sản xuất tập trung, hạn chế tác động xấu đến môi trường mà xác suất thành công cũng cao hơn. Khi vùng nuôi tôm tập trung đi vào hoạt động sẽ góp phần làm thay đổi tập quán nuôi tôm của người nuôi trên địa bàn, giúp họ thích nghi tốt hơn với các biến động của thời tiết, môi trường ngày càng rõ nét hơn.

Ông Lê Văn Tại - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Phú cho rằng, điểm mấu chốt khiến cho dịch bệnh trên tôm nuôi tràn lan ở vụ 1 nuôi tôm vừa qua nằm ở chỗ hạ tầng vùng nuôi quá sơ sài. Các vùng nuôi tôm không có kênh cấp, kênh thoát nước riêng. Giữa các ao nuôi không có khoảng cách lớn mà bờ được be đắp tạm nên nguồn nước thẩm lậu, gây lây lan bệnh trên tôm nuôi.

“Một số nông hộ có khả năng huy động vốn lớn đề nghị được đầu tư, kéo đường điện riêng ra đồng để phục vụ nuôi tôm. Tôi nghĩ điều này rất hợp lý nên đã đề xuất Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ tham mưu UBND thành phố thông qua. Tam Kỳ đã có định hướng quy hoạch vùng nuôi tôm dọc sông Trường Giang nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Rõ ràng, nếu tiếp tục nuôi tôm thì Nhà nước cần đầu tư tốt hơn, trước hết là các yếu tố hạ tầng để hạn chế thất bát” - ông Tại nói.

Quảng Nam có gần 3.000ha ao nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành thủy sản, số diện tích được thả nuôi tôm ở vụ 1 không nhiều, khoảng 1.000ha. Trong số đó, tôm nuôi bị chết nhiều do thời tiết biến động và môi trường nước ở các sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhận định, bệnh trên tôm nuôi vẫn sẽ còn xảy ra, kéo dài tại các vùng nuôi của 6 địa phương ven biển trong thời gian tới bởi các điều kiện nuôi tôm không đảm bảo. Bởi vậy, các nông hộ cần thận trọng, đủ điều kiện nâng cấp hạ tầng thì mới nên nuôi tôm.

Phát hiện 57 mẫu nuôi tôm bị bệnh

Thực hiện chương trình giám sát môi trường và bệnh trên tôm nuôi, từ đầu năm đến nay Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã xét nghiệm 181 mẫu tôm, phát hiện 8/62 mẫu dương tính bệnh hoại tử gan tụy cấp tính với diện tích 4ha; 11/61 mẫu bị nhiễm vi rút đốm trắng với diện tích 6ha.

Ngoài ra, từ chương trình giám sát tôm nuôi tại các ao có dấu hiệu bị bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Chi cục Thú y tiến hành, đã phát hiện 8/40 mẫu nhiễm vi rút đốm trắng và 30/40 mẫu bị nhiễm hoại tử gan tụy cấp trên tổng diện tích gần 10ha. Tính chung từ đầu năm, tổng mẫu tôm nuôi bị bệnh là 57 mẫu (16 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, 41 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp) trên diện tích nuôi khoảng 20ha.

Nguyễn Quang Việt Báo Quảng Nam, 01/06/2016