TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Giải pháp hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững

Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ. Ảnh: THANH THẮNG/ Báo Quảng Nam Thiên Uyển

Quảng Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững.

Tiềm năng, lợi thế

Quảng Nam là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, kể cả nước ngọt và nước lợ.

Với 941 km sông ngòi tự nhiên của 11 tuyến sông, phân bố đều khắp các vùng trên địa bàn tỉnh, trong đó có hai hệ thống sông chính là sông Thu Bồn và sông Trường Giang. Ngoài ra, còn có 10 hồ chứa nước với hơn 6.000 ha mặt nước, đây là một lợi thế rất lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Cùng với đó, phía Đông của tỉnh có bờ biển chạy dài trên 125 km, hình thành nên vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40.000 km2, cùng hệ thống sông Trường Giang chạy song song trên biển đã tạo nên tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, kể cả ven sông và trên cát.

Tính đến thời điểm hiện tại, hàng năm, tổng diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 8.000 ha, sản lượng đề ra đạt 22.500 tấn. Trong đó, diện tích thả nuôi thủy sản nước ngọt 4.900 ha, sản lượng 8.000 tấn; diện tích thả nuôi thủy sản nước lợ 3.100 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 14.500 tấn; nuôi cá lồng bè 2.768 lồng. Toàn tỉnh có 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, trong đó có 02 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, 50 cơ sở sản xuất tôm sú và ương nuôi giống tôm thẻ. Số lượng cá giống nước ngọt sản xuất cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu con, số lượng tôm sú giống sản xuất khoảng 70 triệu con. Chính vì vậy trong những năm gần đây, ngành Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam. Trong tương lai, phấn đấu trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường; góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Quảng Nam, đặc biệt là cư dân ven biển.

Khó khăn đối mặt

Bên cạnh những thuận lợi về mặt tự nhiên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp trên toàn tỉnh thì nghề nuôi trồng thủy sản tại Quảng Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thời thiết trong những năm gần đây diễn biến khó lường, dự báo nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2019 có thể cao hơn mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5 - 1,00C, có thể xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường, gây khó khăn cho sản xuất; do đó, dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản xảy ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.

Công tác tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tái cơ cấu ngành. Hầu hết cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, công suất thấp. Công tác quản lý giống thủy sản vẫn còn bất cập, một số lượng lớn giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm nước lợ vận chuyển chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, chất lượng con giống cung ứng chưa đảm bảo yêu cầu. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi, nhất là vùng triều không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; phát triển vùng nuôi, đặc biệt nuôi tôm trên cát chưa đảm bảo quy hoạch; công tác xử lý nước thải ao nuôi chưa được thực hiện nghiêm túc. Số lượng doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh còn ít, sản lượng thu mua thấp.

Nhìn chung, sản phẩm thủy sản chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường, chưa hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Giải pháp phát triển

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đồng thời phát triển nuôi trồng thủy sản tương xứng tiềm năng, lợi thế thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp là vô cùng quan trọng và cấp thiết, cụ thể:

- Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, rà soát và bổ sung lại vùng cho phép nuôi để đưa vào định hướng nuôi trồng thủy sản, làm tiền đề cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý môi trường, nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, lâu dài. Theo đó, hình thành nên các cụm công nghiệp nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát với quy mô 20 – 30 ha/vùng. Chú trọng mở rộng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tiên tiến, đồng bộ.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân vào nuôi thủy sản trong các vùng đã được quy hoạch, dần dần xóa bỏ diện tích nuôi manh mún, nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường trong nhân dân. Đồng thời, xây dựng mô hình chuyển đổi nghề cho các hộ nuôi trồng thủy sản không nằm trong vùng quy hoạch nuôi lâu dài.

- Các cơ sở, vùng nuôi cần liên kết với Hiệp hội Tôm giống, cơ sở sản xuất giống có uy tín để có con giống chất lượng tốt, phục vụ sản xuất. Người nuôi không chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất, đánh giá cảm quan mà cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất, trong đó phát triển mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín như Natuland, GlobalGAP, ASC, BAP... để nhanh chóng tiếp cận thị trường và đáp ứng các yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian cũng là một việc làm hết sức quan trọng.

- Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất. Tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn trong sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm để người sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới.

- Tăng cường công tác giám sát môi trường và bệnh trên thủy sản nuôi để phát hiện, cảnh báo các vấn đề về môi trường, mầm bệnh, giúp người nuôi phòng ngừa và có biện pháp kỹ thuật nuôi phù hợp. Tổ chức giám sát nghiêm việc triển khai thực hiện lịch mùa vụ nuôi tôm tại các địa phương. Tổ chức quản lý, giám sát nghiêm điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất và chất lượng đối với cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người nuôi tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh.

- Triển khai sớm việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nuôi nằm trong khu vực quy hoạch lâu dài cho nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Đất đai để người dân yên tâm, ổn định sản xuất, đầu tư nâng cấp công trình ao nuôi, nhằm sản xuất có hiệu quả, bền vững.

Thiên Uyển TTKNQG