TIN THỦY SẢN

Quảng Ngãi: Vượt “bão” vươn khơi - Nghề câu mực đi về đâu?

Một con tàu đang được cải tiến để phù hợp với việc đánh bắt hải sản

Cuộc sống của hàng nghìn người dân xứ Cù lao Bình Chánh (Quảng Ngãi) phụ thuộc vào thu nhập từ đội tàu câu mực. Thế nhưng, giá mực khô rớt giá đã khiến cho hàng chục con tàu không thể ra khơi.

Không lẽ bỏ biển? Không lẽ cả đời dành trọn cho biển lại xa biển chỉ vì con mực rớt giá? Hàng chục chủ tàu quyết định cải tiến tàu cho phù hợp với một số nghề khác tiếp tục vươn khơi. Họ quyết tâm bám biển đến cùng!

Cải tiến tàu để ra khơi

Gió từ biển thổi vào kéo theo vị mặn của sóng làm cho những ngư dân trẻ ngồi bên bến neo tàu xứ cù lao cứ nhấp nhỏm nhìn về phía những con tàu đang phơi mình trên bến. Phía xa, trên nóc những chiếc tàu câu mực một vài ngư dân đục gõ cải tiến một số bộ phận con tàu để phù hợp với nghề mới

Chèo chiếc thúng lắc lư đưa chúng tôi ra con tàu câu mực QNg-95069TS, đang trong giai đoạn hoàn thiện bộ phận hầm chứa đá, anh Lê Hồng Sơn (chủ tàu) cho biết: Anh và các thành viên đang cải tiến con tàu để ra khơi. Con tàu như là ngôi nhà của mình vậy. Tài sản, niềm tin và hi vọng đều đặt hết vào đấy. Nối nghiệp tổ tiên tiếp tục gắn đời mình với con mực thế mà giờ phải chuyển sang nghề “tay trái”, chứ không thể bỏ biển được.

Con tàu có công suất 410CV (trị giá hơn 1 tỷ đồng được vợ chồng anh tích cóp sau nhiều năm đi bạn cho chủ tàu khác) đóng vào năm 2006. Hạ thủy con tàu vươn khơi xa, chàng ngư phủ trẻ thỏa mãn ước nguyện được làm chủ con tàu và mang một niềm tin tươi sáng nơi biển xa. Thế nhưng, với anh giờ niềm tin ấy mỏng manh như bọt sóng, thấy đó rồi tan biến lúc nào không hay. “Nghề câu mực cho tôi nhiều thứ, con tàu là niềm tin của cả đời tôi giờ phải dỡ bỏ những thiết bị không phù hợp để cải tiến chuyển nghề, với tôi nghề nào cũng vậy miễn được ra với biển, được tận hưởng những con sóng bạc giữa trùng dương mênh mông là vui rồi” – anh Sơn tâm sự.

Kế tàu anh Sơn là con tàu QNg-95339 TS có công suất 449CV của anh Châu Minh Sơn. 20 năm “ăn sóng nói gió”, 9 năm là chủ con tàu câu mực trên những hành trình nơi địa đầu biên ải Tổ quốc. Nghề câu mực đã ăn sâu vào từng ý nghĩ của anh. Nhưng giờ, anh và những bạn thuyền đành phải chuyển nghề.

“Nói thật, bao năm bám biển, tôi cũng kiếm được khá tiền, nhưng giờ sửa tàu, mua ngư lưới cụ, giàn đèn… cũng mất cả tỷ. Tốn tiền tỉ nhưng cũng phải làm cho bằng được. Tâm huyết bao năm cứ trồi lên hụp xuống như con sóng vậy. Nhưng biết làm sao được, “thua keo này ta bày keo khác”. Không thể bỏ biển lúc này” – anh Sơn chia sẻ.

Phía xa, nhiều ngư phủ khác cũng đang tất bật cải tiến đội tàu để qua mùa bão lại tiếp tục ra khơi thu về những khoang tàu đầy cá và niềm tin son sắc về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc nơi đại dương mênh mông vẫn đang thôi thúc…

Bám biển đến cùng

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với những ngư dân hành nghề câu mực ở Bình Chánh vẫn quyết tâm bám biển đến cùng. Những ngư dân sửa lại tàu để phù hợp với nghề mới tiếp tục vươn khơi. Con đường làng dẫn về cù lao Bình Chánh đã được bê tông kiên cố, không còn là con đường đất như 20 năm về trước. Những ngày này 21 năm trước, biển đang bình yên bỗng cuồng phong kéo đến.

Gần 80 con người ở xứ cù lao này mãi mãi nằm lại biển khơi. Tưởng chừng sau đại họa ấy người làng không thể ngóc đầu lên nổi và xứ cù lao nổi tiếng với những đội tàu hàng trăm mã lực sẽ từ giã nghề câu mực, nhưng rồi họ nén đau thương, tựa vào nhau mà sống, đoàn kết trên biển khơi. Và giờ, những con tàu đó đang dần được “nâng cấp” thành những chiếc tàu hành nghề biển khác chứ không còn câu mực như xưa.

“Mực rớt giá, ngư dân câu mực buồn. Người làm chính quyền như chúng tôi cũng buồn. Chỉ tại ở xứ mình hàng nông, lâm ngư người dân làm ra quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài nên mới vậy. Thị trường trong nước đang thiếu hàng nhưng khâu chế biến, bảo quản lại phải đưa ra nước ngoài rồi nhập lại nước ta tiêu thụ. Làm ra sản phẩm mà phải đi mua sản phẩm qua chế biến để dùng thì làm sao giàu lên được”, ông Nguyễn Thành Tấn – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh nói.

Không thể bỏ biển, ngư dân xứ cù lao Bình Chánh vẫn quyết tâm bám biển đến cùng dù phải vay nóng, vay nguội, phải thế chấp nhà cửa đánh cược với biển chỉ để mãi mãi cuộc đời được làm ngư phủ. Để mỗi sáng khi ánh bình minh nhô lên họ lại tiếp tục ra khơi đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, và khẳng định với ngư dân nước ngoài: Biển Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

“Không chỉ con mực mà các sản phẩm ngư nghiệp khác dù giá xuống thấp đến mức nào thì chúng tôi vẫn không bỏ biển. Chuyển sang nghề này, nghề khác chúng tôi vẫn ra khơi. Biển là quê hương thứ hai của ngư dân. Dù biển nổi cuồng phong, bão tố hay “sự cố” nhân tai chúng tôi vẫn nhìn về biển, hướng về biển và dong tàu ra khơi về với biển. Biển Hoàng Sa, Trường Sa là của tiền nhân để lại.

Hậu thế chúng tôi luôn khắc ghi điều đó, mỗi ngư dân luôn khắc sâu vào tâm can, máu thịt: Ra khơi để làm giàu và quan trọng hơn hết, ra khơi là để khẳng định chủ quyền dân tộc trên từng mét nước nơi đại dương mênh mông…” – ngư dân Trần Văn Sỹ tâm sự..

Báo Quảng Ngãi