TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh: Nuôi tôm công nghệ cao, làm đâu trúng đó

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của anh Bùi Công Nam, phường Hà An, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Minh Hà Hoàng Quỳnh

Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây không ít tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã chủ động đầu tư khoa học kỹ thuật, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, “phá vỡ” tính mùa vụ trong nuôi trồng thủy sản.

Các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn... đang được người dân áp dụng rộng rãi.  Điển hình là những mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái... cho năng suất trung bình 8-10 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình đạt từ 20-25 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm trong nhà kính, hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Bình Ngọc, TP Móng Cái, thử nghiệm thâm canh tôm thẻ chân trắng từ năm 2012 sau khi được định hướng từ Hiệp hội nghề cá TP Móng Cái. Ngay vụ đầu tiên, với 0,6ha tôm nuôi, ông đã thu hoạch được gần 10 tấn tôm thương phẩm, trừ mọi chi phí, ông Dũng thu lãi gần 600 triệu đồng. Nhận thấy, đây là mô hình nuôi đạt năng suất, ổn định về đầu ra, ông Dũng đã áp dụng, nhân rộng và duy trì cho đến nay. 

Theo ông Dũng, nuôi tôm thâm canh có nhiều ưu điểm vượt trội so với nuôi quảng canh. Người dân có thể chủ động từ thức ăn, nguồn nước, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian thả nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, chỉ hơn 3 tháng nên các hộ có thể tăng từ 1 vụ/năm nuôi quảng canh lên 2 vụ/năm nuôi thâm canh. Mô hình thử nghiệm bể ương di động cho quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh xây dựng cũng là một trong những mô hình góp phần giúp người dân chủ động việc thả giống. 

Ưu điểm của bể ương di động là dễ quản lý, không bị phụ thuộc vào nguồn nước, vụ nuôi, có thể tháo lắp, di chuyển, thay đổi được kích thước và hạn chế rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, với hệ thống này, có thể chủ động kiểm soát được môi trường nước, giảm thiểu được hội chứng tôm chết sớm EMS do hoại tử gan tụy cấp tính.  Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập cao gấp 2-3 lần so với những vụ nuôi trước, tỷ lệ tôm sống cao và phát triển khỏe mạnh.


Một khu ao nuôi thuộc hệ thống công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn của Công ty CP Thủy sản Tân An. Ảnh Thanh Bình

Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị đang áp dụng hệ thống nuôi tôm nhiều giai đoạn bao gồm ao, bể ương tôm giống và các ao nuôi thương phẩm cấp 1 và cấp 2. Qua đó, giúp tôm tăng trưởng nhanh trong điều kiện ương có tính an toàn sinh học cao, gia tăng hiệu quả sản xuất do tôm giống có kích thước lớn khi đưa ra nuôi ngoài ao, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm; tiết kiệm được thức ăn và nâng cao tỷ lệ sống cho tôm nuôi. 

Như ở Công ty CP Thủy sản Tân An, hiện đơn vị có 20ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 10ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ 3 giai đoạn, siêu thâm canh. Trung bình mỗi năm, cho sản lượng thu hoạch khoảng 600-800 tấn tôm thẻ chân trắng, doanh thu đạt 70-80 tỷ đồng. 

Riêng vụ đông năm 2021, đơn vị đã thả 40 triệu con tôm giống và đã cho thu hoạch từ cuối tháng 12/2021 đến nay. Dự kiến cho sản lượng đạt 140-160 tấn và xuất bán chủ yếu trong nước. Với giá bán đạt 220.000-250.000 đồng/kg, vụ mùa này sẽ mang lại doanh thu khoảng 20-25 tỷ đồng.

Hay như ở huyện Đầm Hà đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại.  Tiêu biểu như Dự án sản xuất tôm giống thẻ chân trắng của Công ty Việt Úc - Quảng Ninh, năm 2021 đã sản xuất 1,2 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng cung cấp cho thị trường từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. 

Hiện nay, công ty đang triển khai xây dựng khu nuôi thử nghiệm con giống chịu nhiệt độ thấp, phù hợp với khí hậu mùa Đông của khu vực miền Bắc để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Có thể thấy, lĩnh vực thủy sản ghi nhận sự chuyển đổi cách làm của người dân khi phá vỡ tính mùa vụ bằng cách áp dụng kỹ thuật thả giống nhiều giai đoạn, từ đó giảm áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm, tránh được "kịch bản" ứ ế, tồn đọng, dẫn đến phải giải cứu như đã từng diễn ra. Nhờ vậy, kết thúc năm 2021, lĩnh vực thủy sản Quảng Ninh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2020.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh -ông Ngô Tất Thắng cho biết: Đặc thù của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng chịu sự tác động nhiều hơn các ngành nghề khác, bao gồm cả tác động từ đại dịch Covid-19 đến các tác động khách quan, chủ quan khác, đặc biệt là ảnh hưởng của các yếu tố môi trường từ sự biến đổi khí hậu. Bước vào năm 2022, lĩnh vực thủy sản đặt ra chỉ tiêu sản lượng thủy sản khoảng 152.700 tấn, trong đó, khai thác đạt 68.700 tấn, giảm 8,72%, nuôi trồng đạt 84.000 tấn, tăng 12,58%.

Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp cần tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực về tài chính, có công nghệ để làm hạt nhân ươm tạo các công nghệ mới để các khu nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, nhân rộng các mô hình hiệu quả; xây dựng chính sách hỗ trợ vốn, kết nối đầu ra cho chế biến và tiêu thụ thủy sản...

Hoàng Quỳnh Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh