"Ra Bắc vào Nam" không bằng về quê nuôi cá
Từ bỏ một công việc ổn định với mức thu nhập khá ở TP.Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tấn Nghĩa (29 tuổi) ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) quyết định về quê gầy dựng sự nghiệp và thành công với mô hình nuôi cá lồng bè.
Xuất phát từ niềm đam mê
Sinh ra ở vùng quê nằm ven sông Trà Khúc; anh Nguyễn Tấn Nghĩa may mắn được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí – Trường Cao đẳng nghề Quảng Ngãi; anh được nhận vào một công ty cơ khí ở TP.HCM với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương tốt đối với nhiều bạn trẻ mới ra trường. Tuy nhiên, càng làm Nghĩa càng suy nghĩ nhiều hơn về đam mê và khát khao trở về làm giàu ngay trên quê hương mình.
Tuổi thơ từng gắn bó với sông nước, theo ba ra bè chăm sóc cá. Thành ra, mọi công việc của một người nuôi cá lồng dường như đã trở thành một phần trong cuộc sống của anh. Năm 2010, thời điểm ba anh quyết định gác lại nghề, cũng là lúc anh Nghĩa quyết tâm từ bỏ nghề cơ khí, để nuôi cá lồng bè cho đến nay.
Ban đầu, được ba giao cho tiếp quản 2 lồng bè cá trắm cỏ, cá chình, anh Nghĩa mừng lo lẫn lộn. Mừng bởi vì đây là công việc mà anh đam mê, hơn nữa giữ gìn được nghề truyền thống của gia đình. Nhưng anh lo vì tuổi còn quá trẻ, chưa am hiểu rõ trong khi nghề này đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm và dày công chăm sóc.
"Không ít trường hợp, nhiều thanh niên do thiếu kinh nghiệm và không biết cách phòng chống thiên tai và dịch bệnh sau lũ, nên cá trôi theo dòng nước, bị dịch bệnh, có hộ gần như mất trắng”, anh Nghĩa kể.
Không ngừng chịu khó, học hỏi, anh Nghĩa vừa chăm sóc cá, tự tìm tòi học nghề từ những người đi trước, nhất là việc đối phó với lũ lụt và dịch bệnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, những nỗ lực, cố gắng cũng được đền đáp xứng đáng khi 2 lồng cá trắm cỏ, cá chình do một tay anh chăm sóc phát triển mạnh, không dịch bệnh.
“Mình luôn tìm đến những người có thâm niên trong nghề, họ bày cách làm lồng và chăm sóc. Bây giờ thì đàn cá phát triển rất mạnh, sức đề kháng tốt, cho thu nhập cũng khá nên mình quyết định tiếp tục đầu tư, mở rộng số lượng lồng”, anh Nghĩa cho biết.
Thời gian này, anh đang đầu tư thêm 35 triệu đồng để làm lồng, nâng số lượng cá trắm cỏ, cá chình trên 200 con. Toàn bộ khung lồng đều được làm bằng inox rất chắc chắn.
Lãi hơn 100 triệu đồng/năm
Anh Nghĩa chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá chình. Cứ lứa này gối lứa khác, anh Nghĩa có cá bán quanh năm. Mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 2 -3 tạ cá các loại. Với giá bán 120-150 nghìn đồng/kg cá trắm cỏ, 300–350 nghìn đồng/kg cá chình, sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn 100 triệu đồng.
“Gia đình tôi chỉ nuôi cá trắm cỏ khoảng 3 -5 tháng, cá chình từ 4-5 tháng. Cứ lứa này gối lứa khác nên gia đình tôi luôn đảm bảo nguồn cung cho khách hàng quanh năm”, anh Nghĩa bộc bạch.
Theo anh Nghĩa, đây là những loại cá có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh, về nguồn thức ăn có thể tự làm ra được. Hiện nay, hơn 3 tạ cá của anh đều được nuôi bằng thức ăn lấy từ tự nhiên, như cây cỏ, lá mì; hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp, nên thịt cá săn chắc, thơm ngon được rất nhiều người đến đặt mua.
Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Nguyễn Tấn Nghĩa được nhiều thanh niên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng, anh Nghĩa cho hay, để có thể chống chọi với lũ, toàn bộ lồng cá của anh đều được làm bằng inox. Định kỳ hàng tháng, anh cho cá ăn Vitamin C hoặc bột tỏi để phòng bệnh và tăng sức đề kháng. Ngoài ra, anh còn buộc túi vôi bột xung quanh lồng, cho tắm muối để khử trùng, giảm thiểu bệnh nấm, dịch mắt đỏ cho cá.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những lồng cá còn lại, anh Nghĩa bảo, thời gian tới anh sẽ cùng một số thanh niên nuôi cá lồng tại địa phương liên kết thành lập Nhóm thanh niên nuôi cá lồng bè. Qua đó, góp phần hỗ trợ nhau trong kỹ thuật nuôi và gầy dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm ra thị trường rộng hơn.
Thời điểm này, gia đình anh đang chăm sóc khoảng 3 tạ cá thương phẩm các loại cá trắm cỏ, cá chình để phục vụ thị trường Tết. Sau khi bán hết lứa này, ra Tết anh Nghĩa bắt đầu thả lứa mới và thả nuôi thêm hơn 50 con cá lăng giống.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Nghĩa luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều thanh niên tại địa phương. “Mình phải để thanh niên trong xã thấy được cách làm ăn của mình mà làm theo, chứ có đi vào Nam hay ra Bắc thì cũng phải làm thuê, mà làm thuê thì cực lắm ”, anh Nghĩa chia sẻ.