TIN THỦY SẢN

"Treo" mình câu cá biển

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Ngày Tết, chán ngán với bia rượu, thịt thà và lễ hội đình đám, sao bạn không đến Phú Yên tìm cảm giác tĩnh tại của ngư ông trong thú câu cá biển?

Những ngày giáp Tết bận rộn, ở Phú Yên, mỗi sáng, hàng đoàn người vẫn nắm cơm mang cần đi câu. Tôi không phải là dân câu chuyên nghiệp lại lẻ bạn nhưng có người mách nước cứ 5 giờ sáng, lên quán cơm đầu bắc cầu sông Chùa, gặp những người đến mua cơm để đi câu là có hội.

Câu cá cảm giác mạnh

Mang mồi, vác cần lên đường, tôi nhập đoàn gồm 8 người làm đủ nghề từ chủ tiệm ga-ra xe, thợ điện, thợ hồ đến từ huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và nhiều nhất là tỉnh Phú Yên. “Cái thú này mê lắm, khó dứt! Cứ rảnh 1 ngày là phải vác cần đi câu” - Tuấn sún làm nghề thợ hồ, khề khà cười để lộ 2 hàm răng gãy chỉ còn phân nửa.

Vách đá dựng đứng ở Gành Lồ Ồ, nơi tưởng chừng như treo mình để câu cá

Một con cá giò mắc câu

Năm Râu câu được một con cá giò lớn

Sáu Nhật với những con cá dẩu lớn vừa được câu lên khỏi biển

Đoàn chọn gành Lồ Ồ (Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) làm bãi đáp. Gửi xe máy lại nhà một người dân, băng qua 1 ngọn núi thấp đã nghe tiếng ầm ào của những con sóng đập vào gành đá. Gành Lồ Ồ hiện ra thật hùng vĩ, những vách đá như dựng đứng, những con sóng đập vào gành tung bọt trắng xóa.

Thấy tôi hơi lưỡng lự, Tuấn sún động viên: “Yên chí đi! Thấy vậy chứ trên ấy có đường đi đấy!”. Đúng như Tuấn sún nói, trên vách đá tưởng như chỉ có chim mới đậu được kia lại có những con đường chỉ đủ một người len lỏi đi. Ông Năm Râu, người lớn tuổi nhất trong đoàn, truyền đạt kinh nghiệm: Hãy chọn chỗ nước yên, cá thường vào lại dễ thấy phao câu. Chỗ ngồi gần mép nước nhưng phải khô, tức sóng biển không đánh tới để thả câu. Trước khi thả câu, hãy vãi con ruốc tươi mua sẵn ngoài chợ để nhử cá vào gần bờ.

Chọn cho mình một chỗ để yên vị, tôi thả câu. Mồi câu cá biển là ruốc tươi hoặc tôm nhỏ. Bất chợt nhìn sang những bạn đi trong đoàn chẳng khác nào treo mình trên vách lá cheo leo để câu cá khi ngay dưới chân sóng vỗ ì ầm trắng xóa. Chỉ riêng cảm giác ấy cũng len trong tôi niềm phấn khích.

Thả trôi những điều thị phi

Khác với câu ở sông, hồ mặt nước lặng, chỉ một cái lay nhẹ trên chiếc phao câu cũng nhận ra, câu ở biển, sóng lớn làm phao câu liên tục nghiêng ngã, lắm khi nhấn chìm cả phao câu. Chưa quen, tôi liên tục bị cá ăn mất mồi mà không biết.

Ngồi bên cạnh tôi, cứ dăm ba phút, ông Năm Râu lại giật cần, kéo lên những con cá giò bằng bàn tay, những con cá dẩu dài đến 40 cm giãy đành đạch. “Hãy tĩnh tâm để cảm nhận được cái rung nhẹ từ bàn tay cầm cần khi cá ăn câu. Đừng chú ý đến những con sóng mà hãy để tâm vào phao câu. Khi nào phao câu bị lật ngửa thì hãy giật. Cá biển nhiều lắm, không phải chờ lâu đâu!” - ông Năm Râu chia sẻ.

Chợt chiếc cần rung lên, nhẹ thôi kiểu như bạn ở trong một phòng kín bỗng đâu có cơn gió thoảng qua chỉ đủ làm rung vài sợi tóc. Cùng với đó, chiếc phao câu đang đứng bỗng ngã nằm xuống mặt nước. Tôi giật câu. Nghe nằng nặng và rồi một chú cá đủ màu săc sặc sỡ lướt lên mặt nước. Đó là một con cá lia thia rất đẹp, lớn bằng bàn tay nữ sinh. Bắt cá vào giỏ, tôi lại thả câu và chờ đợi. Cái chờ đợi của người câu cá biển thật dễ chịu. Nó giống như sự chờ đợi người yêu mà biết chắc rằng người yêu sẽ đến.

Giỏ đựng cá đã nặng, ông Năm Râu gọi lớn: “Giải lao đi!”. Cả nhóm tìm những cây củi khô bị sóng biển hất tung lên các hốc đá, nhóm lửa, nướng cá. Ông Năm Râu thủ sẵn chai rượu với chiếc ly nhỏ trong túi đưa ra. Cá chín, mỗi người một con, ăn bốc. Ly rượu cuốc lủi nguyên chất được nấu từ gạo Tuy Hòa cay nồng với cá tươi roi rói vừa câu từ biển lên thật hợp cạ.

Chúng tôi lại thả câu. Giữa cái mênh mông, hùng vĩ của biển trời, vách đá dựng đứng, những con sóng tung bọt dưới chân, giữa cái nguyên trinh của lòng người xứ nẫu trong tiết trời chớm xuân, bao phiền muộn như tan biến. Ta bỗng chốc cảm giác như đang giữa chốn bồng hoang. Nơi ấy không có chỗ cho sự toan tính, thị phi, không lo toan với những chuyện cơm áo gạo tiền.

Bài và ảnh: Hồng Ánh Người lao động, 30/01/2014