"Vua tôm" Sáu Ngoãn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm bền vững
Lão nông khuyên người dân nên nuôi mật độ thưa để lấy chất lượng, giá bán cao và bền vững với môi trường.
Ông Sáu Ngoãn (ngụ tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được mệnh danh là vua tôm của Đồng bằng sông Cửu Long. Ông giàu kinh nghiệm, nhiều vụ thành công và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm sạch, bền vững, có lợi nhuận cho bà con.
Dưới đây là những kinh nghiệm nuôi tôm được ông chia sẻ
Tỷ lệ ao nuôi và ao lắng
Để bền vững với môi trường, tỷ lệ ao lắng ít nhất 50 - 60%. Hiện tại, mô hình nuôi tôm sú sinh thái của ông có tỷ lệ tương tự, hệ thống gồm ao lắng liên hoàn, ao xả, ao thải, ao lắng phụ, ao lắng chính và ao nuôi.
Đầu tiên là ao dẫn nước vào ao lắng phù sa. Nước qua ao lắng phụ, ao lắng liên hoàn rồi mới dẫn vào ao lắng chính và phân bổ nước sang ao nuôi hai bên. Như vậy qua ba hệ thống ao lắng rồi mới vào ao nuôi chính.
Xử lý nước trong ao lắng không dùng hóa chất
Dùng hóa chất sẽ ảnh hưởng đến môi trường, con gì có lợi, hại cũng chết. Người dân nên nuôi cá dữ như cá chẽm, cá chét ngoài ao lắng để chúng ăn các loài tôm tạp, cua còng, giáp xác. Các loài giáp xác là ký chủ mang trung gian mầm bệnh đầu vào.
Ngoài ra, ông Sáu Ngoãn còn nuôi sò huyết trong ao lắng để lọc nước. Con sò huyết ăn tảo, vì đôi khi tảo nhiều quá cũng nảy sinh khí độc, gây bẩn nước.
Cuối vụ tôm, cải tạo ao sẽ vừa có cá ăn, thu được sò huyết, đồng thời giải quyết các mầm bệnh. Đây là cách tận dụng thiên địch, không hóa chất để xử lý nguồn nước trước khi vào ao nuôi chính. Bà con vùng ven biển nuôi không chạy quạt thì có thể kết hợp. Cách làm này nhẹ vốn mà có thêm nguồn lợi.
Hệ thống ao nuôi hướng sinh thái của ông Sáu. Ảnh: Bizmedia
Chọn mua vi sinh chất lượng
Theo kinh nghiệm của ông "vua tôm", để đánh giá vi sinh chất lượng hay không thì trước khi đánh bắt phải đo lại môi trường như Amoniac (khí độc), pH, coi nước, tảo trong ao màu xanh đậm hay thế nào, đáy ao vớt sình lên có dơ, đen không.
Vi sinh bỏ xuống chừng 2-3 hoặc 5-7 ngày sau nước có thể đổi màu, bạc lại, xuống lội hớt tầng đáy ao lên thấy phân hủy được nghĩa là vi sinh có chất lượng. Nhưng để có cơ sở khoa học chắc chắn thì phải đi xét nghiệm, đây chỉ là kinh nghiệm chứ giờ vi sinh cũng thật giả lẫn lộn.
Mật độ nuôi
Hiện ông Ngoãn nuôi bán công nghiệp nhưng mật độ rất thưa, từ 7-9 con một m2. Như vậy thì nông dân ít vốn, ít kỹ thuật, kiến thức kém cũng có thể làm được.
Nuôi thưa thì size tôm to, cỡ 20 con một cân là thu hoạch. Bán ra một tấn tôm kích thước to lợi nhuận bằng 2-3 tấn tôm kích thước nhỏ khi nuôi dày. Ngoài ra, khi nuôi thưa thì số lượng tôm ít, thức ăn ít, chất thải không nhiều nên hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ông Ngoãn nhớ lại: "Ngày xưa tôi nuôi dầy, vì ai cũng có lòng tham. Nhưng lăn lộn với con tôm rồi mới đúc kết ra, nuôi tôm là để kiếm lợi nhuận chứ không phải kiếm lượng, nuôi ít nhưng lợi nhuận cao lại bền vững, dễ quản lý".
Ao nuôi lót bạt
Những người nuôi tôm mật độ dày thường cần lót bạt để phòng mưa gió làm lở bờ, hoặc tôm quậy dữ làm xói mòn đất, dơ nước, dễ ô nhiễm ao. Nuôi thưa dạng sinh thái thì không nhất thiết phải làm vậy.
Theo dõi sức khỏe con tôm
Có nhiều cách để theo dõi sức khỏe của tôm, như thông qua quan sát ăn uống. Cho một lượng thức ăn, để ý thời gian khoảng hai tiếng xem tôm ăn mạnh hay yếu. Ngoài ra, theo dõi ngoại hình tôm như râu, đuôi, mang có bị đứt hay dơ không, đường ruột, gan có bình thường không...
Mặt khác, đa phần người nuôi tôm chỉ quan tâm đến dịch bệnh, ít khi để tâm đến nhiệt độ nước. Thực tế, nhiệt độ rất quan trọng, nhiệt độ càng tăng, oxy càng giảm, khí độc Amoniac tăng. Trên 35 độ C hay dưới 24 độ C là con tôm giảm ăn. Nếu không biết vẫn cho ăn nhiều, thức ăn mất 2,5 - 3,5 tiếng rã ra sẽ gây ô nhiễm ao, dẫn đến dịch bệnh.
Ở các tầng nước khác nhau, nhiệt độ cũng chênh lệch. Do dụng cụ đo chuyên nghiệp đắt - mười mấy triệu đồng, ông Ngoãn nghĩ ra cách mua cái ống dụng cụ đo nhiệt độ nước sôi của y tế khoảng 20 nghìn đồng, mà độ chính xác tương đương.
Khi nóng quá ông tăng cường chạy quạt vào ban đêm để nhiệt độ mát, lạnh quá cũng chạy cho nước trộn đều và không phân tầng nước.
Kiểm tra nhiệt độ ao nuôi tôm chỉ cần dùng nhiệt kế y tế thường. Ảnh: Bizmedia
Thức ăn và con giống
Khu vực để thức ăn nên được thiết kế tránh chuột, gián, ẩm mốc. Thức ăn bị mốc là một trong những nguyên nhân gây bệnh phân trắng cho tôm.
Ngoài thức ăn chính, ông Ngoãn còn bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, thảo dược giải độc gan có thành phần cây chó đẻ, tỏi, mật ong... để tăng sức đề kháng cho tôm. Cứ một cân thức ăn trộn với nước xay từ 200 gram tỏi, mật ong. Đây là nguồn kháng sinh tự nhiên giúp tôm mạnh khỏe.
Con giống cũng là yếu tố quan trọng, ông vua tôm luôn đề xuất người bán phải có bảo hành cho nông dân thì chất lượng con giống khi nuôi mới đảm bảo.
Những con tôm sú nuôi theo hướng sinh thái của ông Sáu. Ảnh: Bizmedia
Những lưu ý của ông Sáu Ngoãn khi nuôi tôm thẻ
Vấn đề nuôi tôm thẻ, đa dạng hóa sản phẩm cũng rất tốt, nhưng phải làm sao cho khác với thị trường thế giới. Thế giới nuôi tôm thẻ đã đi trước mình từ lâu, thành ra nên tránh đụng hàng.
Quy tắc thì vẫn như nhau, con tôm thẻ cũng nuôi thưa, mật độ từ 40 con một m2 trở lại để cho kích thước khoảng 30 con một cân. Nuôi dày mà lấy size nhỏ 70 - 80 con một kg, giá bán 70.000 - 80.000 đồng một kg là lỗ.
Ngoài ra, vấn đề nuôi thâm canh và siêu thâm canh phải có đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng, chi phí, còn nếu không thì nên nuôi thưa. Nuôi tôm lúa mật độ còn thưa hơn, khoảng 1-2 con một m2, tôm rừng cũng vậy.