Quy định kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi: Nhiều điểm chưa phù hợp?
Dự thảo Nghị định về Quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất TĂCN, doanh nghiệp chăn nuôi, chủ trang trại. Ngoài những ý kiến đồng tình, có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn với một số quy định trong Nghị định, nhất là những quy định liên quan đến sử dụng kháng sinh trong TĂCN.
Sẽ cấm kháng sinh kích thích sinh trưởng
So với Nghị định 08/2010/NĐ-CP ngày 2.5.2010 về Quản lý TĂCN, dự thảo Nghị định mới đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là quy định về quản lý kháng sinh trong TĂCN. Theo đó, về sử dụng kháng sinh trong TĂCN nhằm mục đích kích thích sinh trưởng, có một quy định rất quan trọng là TĂCN chứa kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 31.12.2017.
Về sử dụng kháng sinh, hóa dược trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng, trị bệnh, có những quy định đáng chú ý: Chỉ sử dụng những loại kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng trong thú y do Bộ NNPTNT quy định; cơ sở sản xuất TĂCN chỉ được sản xuất TĂCN chứa kháng sinh, hóa dược nhằm mục đích phòng, trị bệnh theo hợp đồng với các cơ sở chăn nuôi do bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề kê đơn. Hợp đồng phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hóa dược trong TĂCN, khối lượng sản xuất. Hợp đồng lưu tại cơ quan quản lý về chăn nuôi - thú y cấp tỉnh, cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất TĂCN; TĂCN chứa kháng sinh, hóa dược với mục đích phòng, trị bệnh chỉ được phép sử dụng tại cơ sở chăn nuôi, không được mua bán trên thị trường; cơ sở chăn nuôi phải ghi nhật ký sử dụng TĂCN chứa kháng sinh, hóa dược với mục đích phòng, trị bệnh; TĂCN chứa kháng sinh, hóa dược phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hóa dược, hướng dẫn sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo; không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản.
Những điểm chưa phù hợp?
Việc đưa quy định sử dụng kháng sinh trong TĂCN vào Nghị định nhằm kiểm soát kháng sinh tồn dư trong thịt, trứng, sữa, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, khẳng định đây là chủ trương đúng và là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, với thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn ở nước ta hiện nay, nhiều quy định trong dự thảo Nghị định nếu được giữ nguyên và áp dụng ngay vào thực tế, sẽ khó có thể thực hiện được hoặc sẽ gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi. Bởi chỉ những hộ chăn nuôi lớn mới có thể làm hợp đồng với cơ sở sản xuất TĂCN để có được loại TĂCN chứa kháng sinh phòng, trị bệnh theo kê đơn của bác sỹ thú y. Còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể làm được điều ấy. Mà hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang chiếm tới 80% trong ngành chăn nuôi.
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Phó TGĐ C.P Việt Nam, nếu không thể làm hợp đồng với cơ sở sản xuất TĂCN để có thức ăn chứa kháng sinh phòng, trị bệnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ buộc phải tự trộn kháng sinh vào TĂCN. Do đó, dễ dẫn tới những hệ lụy như: Người chăn nuôi thường xuyên tiếp xúc với kháng sinh một cách thiếu hiểu biết về an toàn khi tiếp xúc với kháng sinh; mua và chọn kháng sinh chưa hoặc không đúng, kháng sinh trôi nổi kém chất lượng; trộn kháng sinh trong TĂCN không đều nên liều lượng cho mỗi cá thể vật nuôi không chuẩn, chi phí trộn tăng; liều lượng kháng sinh có thể không phù hợp; giai đoạn trộn và sử dụng kháng sinh cho chăn nuôi không đúng; sử dụng kháng sinh kéo dài, không thay đổi thuốc gây nhờn thuốc. Những vấn đề nêu trên đều làm cho hiệu quả sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi không cao, làm giảm năng suất vật nuôi, tăng nguy cơ dịch bệnh và đẩy giá thành chăn nuôi cao lên, gây mất ATVSTP…
Do đó, ông Nguyễn Văn Ngọc - PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho rằng, với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay, chỉ nên cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN dành cho gia súc, gia cầm thương phẩm ở giai đoạn chuẩn bị giết mổ. Còn với gia súc, gia cầm nhỏ hoặc hậu bị, vẫn cần có kháng sinh trong TĂCN để tăng sức đề kháng, tăng khả năng phòng bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam:
Nên cấm ngặt việc dùng các loại kháng sinh trong thức ăn và nước uống phòng bệnh cho loại lợn thịt từ 60kg trở lên, đảm bảo lợn thịt xuất chuồng giết thịt không còn tồn dư kháng sinh. Đối với gà, vịt thịt nuôi từ 3 tuần tuổi trở lên không được dùng kháng sinh trong thức ăn, nước uống. Thời gian còn lại, từ tuần thứ 4, thứ 5... đủ dài để cơ thể gia cầm đào thải hoàn toàn kháng sinh ra ngoài cơ thể, đảm bảo thịt sạch, không tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Đối với lợn nuôi thịt dưới 30 kg/con, đối với gà, vịt dưới 3 tuần tuổi, cho phép dùng kháng sinh trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng do Bộ quy định ở liều phòng bệnh là chính, nhằm bảo vệ gia súc, gia cầm non không bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh tụ cầu trùng đối với gia cầm. Không nên quy định phải có bác sĩ thú y kê đơn kháng sinh bổ sung trong thức ăn. Chỉ cần DN chấp hành danh mục mà cơ quan chuyên môn quy định là đ
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó TGĐ C.P Việt Nam:
Trên thế giới, hiện mới có EU đã hoàn toàn cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN với mục đích kích thích sinh trưởng vật nuôi. Mỹ đang phấn đấu thực hiện điều này từ năm 2017, nhưng hiện giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều nước khác cũng có ngành chăn nuôi phát triển, đang tranh luận về vấn đề này. Các nước chăn nuôi phát triển mà còn như vậy, thì Việt Nam, với đặc thù chăn nuôi quy mô nhỏ còn chiếm đa số, nên lùi lại một vài năm chờ các nước chăn nuôi phát triển khác áp dụng trước. Từ đó, mình tham khảo rút kinh nghiệm và bàn thêm để áp dụng một cách thận trọng, phù hợp, có hiệu quả. Thay vào đó, nhằm hạn chế tồn dư kháng sinh trong thực phẩm và nhờn thuốc cho người, trước mắt nên khuyến khích đưa vào TĂCN những loại kháng sinh không sử dụng trên người, kháng sinh sau khi ăn vào không bị hấp thu vào máu vật nuôi (đặc biệt gia cầm lấy trứng thương phẩm); không sử dụng kháng sinh cho heo thịt trên 60 kg; không sử dụng kháng sinh cho gia cầm trước giết mổ 7 ngày.