Quy định mới về nhập khẩu thủy sản của EU
Thị trường EU đã công nhận hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản của Việt Nam; trong đó Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM) là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam kiểm soát thủy sản xuất khẩu.
Các quy định chung đảm bảo ATTP
Các cơ sở trong chuỗi sản phẩm thủy sản phải được kiểm tra, công nhận đảm bảo ATTP, đáp ứng quy định của EU và mỗi lô hàng xuất vào EU còn được thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm, cấp chứng thư ATTP với nhiều bước. NAFIQPM thông tin các quy định cần thiết để doanh nghiệp đáp ứng khi xuất khẩu vào EU.
Quy định (EC) số 178/2002 đặt ra các nguyên tắc chung và yêu cầu cơ bản về luật thực phẩm và nghĩa vụ của việc kinh doanh thực phẩm trong EU. Gồm nguyên tắc về ATTP, các biện pháp phòng ngừa, biện pháp khẩn cấp, yêu cầu ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh. Nhấn mạnh ở đây là tính minh bạch, với việc tham vấn công khai, chẳng hạn quy định về truy xuất nguồn gốc đã yêu cầu mỗi sản phẩm phải được truy xuất một bước trước và một bước sau trong chuỗi cung ứng. Phát hiện vấn đề, sản phẩm được thu hồi ngay lập tức.
Quy định (EC) số 852/2004 về vệ sinh thực phẩm với các yêu cầu từ thiết bị, đào tạo nhân viên, lưu trữ hồ sơ, kiểm soát sâu bệnh, sử dụng hóa chất đến xử lý chất thải. Áp dụng cho tất cả các giai đoạn của chuỗi sản phẩm, phải tuân thủ nghĩa vụ về vệ sinh thực phẩm. Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đăng ký và được phê duyệt.
Quy định (EC) 853/2004 thiết lập các quy tắc vệ sinh cụ thể cho thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, cả sản phẩm thủy sản. Quy định này xác định sản phẩm “chưa chế biến” và “đã chế biến”, chỉ những cơ sở đã được phê duyệt mới được phép đưa sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm phải có mã nhận diện, đáp ứng tiêu chuẩn cao về ATTP.
Quy định (EC) 2073/2004 về tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm và Quy định EC 1441/2007 sửa đổi quy định EC 2073/2004. Đặt ra các tiêu chuẩn vi sinh cụ thể mà thực phẩm phải tuân thủ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Quy định (EC) 1881/2006 thiết lập mức giới hạn các chất ô nhiễm như kim loại nặng, dioxin, và các chất khác. Quy định EC 2021/1323 sửa đổi EC 1881/2006 liên quan đến mức tối đa của Cadmium trong thực phẩm và EC 2022/617 sửa đổi EC 1881/2006 liên quan đến mức tối đa của thủy ngân trong cá. Hàm lượng thủy ngân trong cá từ 0,3 - 1,0 mg/kg tùy loại cá, và trong muối ở mức 0,10 mg/kg.
Quy định (EC) 333/2007 quy định phương pháp lấy mẫu và phân tích các chất gây ô nhiễm chế biến trong thực phẩm, cụ thể là chì, cadmium, thủy ngân, thiếc vô cơ, 3-MCPD và benzo(a)pyrene. Quy định (EU) 2017/644 quy định phương pháp lấy mẫu, phân tích dioxins và PCBs.
Quy định (EC) 1333/2008 quy định quản lý và sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể đối với phụ gia như phẩm màu, chất làm dày và hương liệu.
Quy định (EC) 470/2009 thiết lập mức giới hạn tối đa dư lượng (MRLs) của các sản phẩm thuốc thú y trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Quy định EC 396/2005 thiết lập MRL đối với thuốc trừ sâu. Quy định 37/2010 thiết lập danh sách các chất bị cấm và được phép sử dụng trong thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Quy định EC 1169/2011 quy định thông tin ghi nhãn thực phẩm. Bắt buộc thể hiện trên nhãn: tên sản phẩm (gồm tên thương mại và tên khoa học), danh mục thành phần, thông tin về dị ứng, thực phẩm biến đổi gen, nguồn gốc xuất xứ.
Quy định mới về nhập khẩu thủy sản
EU đã đổi mới hệ thống kiểm soát nhà nước với sáng kiến “Smarter rules for safer food and plant health” (Quy định thông minh hơn cho thực phẩm và sức khỏe thực vật an toàn hơn) nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn trong kiểm soát thực phẩm và sức khỏe thực vật). Ba quy định nền đã được ban hành gồm Quy định sức khỏe động vật AHR: (EU) 2016/429; Quy định sức khỏe thực vật PHR: (EU) 2016/2031; Quy định kiểm soát nhà nước OCR: (EU) 2017/625.
Quy định (EU) 2017/625 đảm bảo thực hiện luật thực phẩm và chăn nuôi, mở rộng phạm vi và hài hòa hóa quy định đối với sản phẩm động vật, động vật sống, thực vật và thực phẩm nguy cơ cao không có nguồn gốc động vật. Điều 127(3) của quy định này, các cơ sở muốn xuất khẩu vào EU phải được lập danh sách.
Quy định (EU) 2019/625, được sửa đổi bởi Quy định 2022/2292, đề ra các điều kiện nhập khẩu với các lô hàng sản phẩm có nguồn gốc động vật như thủy sản, NT2MV và sản phẩm composite, áp dụng từ ngày 21/4/2021.
Quy định (EU) 2019/627 được sửa đổi bởi Quy định 2022/2503, đặt ra các yêu cầu thực hiện kiểm soát đối với NT2MV (Điều 51-65) và kiểm soát thủy sản (Điều 67-71).
Yêu cầu đặc thù với thủy sản
Thủy sản nuôi: Phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi. Chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ (NT2MV) vào EU phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận an toàn vệ sinh vùng thu hoạch.
Hàng năm, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải báo cáo EU kết quả triển khai Chương trình giám sát; định kỳ, cơ quan thẩm quyền EU sẽ sang thanh tra thực tế việc xây dựng và triển khai Chương trình.
Cơ quan thẩm quyền EU yêu cầu lập danh sách riêng đối với các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc, gelatine/collagen từ nguyên liệu thủy sản.
Yêu cầu lập danh sách với toàn bộ cơ sở tham gia trong chuỗi: cơ sở thu mua, sơ chế, kho lạnh, cơ sở chế biến, tàu cấp đông, tàu chế biến.
Đặc biệt, có Quy định về chống khai thác IUU.